Sunday, February 9, 2020

Truyện ngắn: Thế Nào Rồi Cũng Phai - Lê Nam Phương (thi sĩ Lê Văn Trung)

THẾ NÀO RỒI CŨNG PHAI
LÊ NAM PHƯƠNG (thi sĩ LÊ VĂN TRUNG)


Tiếng chuông điện thoại bỗng reo vang phá tan cái im lặng lạnh lẽo của đêm mùa đông mưa rả rích. Người đàn ông trở mình lầm bầm trong miệng: “Không biết giờ này mà ai gọi sớm thế?”  Ngoài trời màn đêm nặng nề trùm lên không gian, gió thổi vù vù đẩy những chiếc lá chưa muốn rời cành tạo ra một thứ âm thanh khắc khoải như tiếng nấc của một người đang khóc.

Tiếng chuông vẫn còn kiên nhẫn reo.  Anh nhấc ống nghe:

-        Xin lỗi, tôi nghe đây.

-        Chào ông.

-        Xin lỗi, nhưng tôi đang…

-        Ồ, ông không cần bận tâm.

-        Nhưng xin lỗi, bà là ai?

-        Ông là nhà văn?  Chắc không cần thiết biết tôi là ai, ông ạ.  Chỉ mong ông nghe.  Bởi vì chỉ có ông tôi mới có thể nói chuyện này.  Nhưng ông là nhà văn?  Vâng, không nghi ngờ gì nữa.  Tôi đã nghe về ông từ lâu.  Và chỉ có ông, nhà văn, mới có thể, vâng chỉ có ông mới có thể…

-        Nhưng thưa cô, anh thay đổi cách xưng hô, cô nói gì tôi không hiểu.  Chuyện gì mới được chứ.  Mà tại sao là tôi. Cho dù tôi là nhà văn đi nữa. Tại sao là tôi.

Giọng người phụ nữ ở đầu dây bên kia vẫn vang lên đều đều như không cần biết sự nôn nóng và thắc mắc của anh.

-        Xin ông bình tĩnh nghe tôi.  Tôi nghĩ anh ta sẽ gặp nguy hiểm ông ạ. Không.  Anh ta đang gặp nguy hiểm.  Xin ông quan tâm cho.

-        Ai? Anh ta là ai?  Mà nguy hiểm gì? Tại sao lại gặp nguy hiểm?

Giọng người phụ nữ trầm lại:

-        Tôi nghĩ anh ta đang gặp nguy hiểm.  Thật tội nghiệp. Có thể anh ấy là một nhà thơ ông ạ. Hay ít ra anh ấy giống một nhà thơ.  Tôi đã nghe anh ấy đọc thơ một mình, trong đêm.

Anh bỗng thấy tò mò và nghĩ có thể có một chuyện gì đó nghiêm trọng.  Anh nói chậm rãi từng tiếng mong người đang đàm thoại nói rõ hơn.

-        Thưa cô.  Tôi đang sẵn sàng nghe cô đây, nhưng mong cô bình tĩnh và cho tôi biết cụ thể hơn.

Tiếng từ đâu dây bên kia bỗng vang lên:

-        A! Anh ấy đã về.  Lạy Chúa! Cuối cùng thì anh ấy đã trở về.  Cảm ơn ông đã nghe tôi, làm phiền ông quá.  Hẹn gặp ông sau. 

Anh nghe rõ tiếng gác máy từ đầu bên kia nhưng anh vẫn còn cầm ống nghe, lòng bỗng dưng buồn vô hạn. Người phụ nữ này là ai?  Ông nhà thơ kia là ai. Tại sao cô ta lại quan tâm lo lắng quá như vậy. Họ có quan hệ gì với nhau. Ông ta đang gặp tai họa gì.  Tại sao người phụ nữ này lại gọi cho anh để nói. Anh là nhà văn chăng. Mà nhà văn thì sao. Sứ mạng của một nhà văn là phải …hay sao.

Có thể anh đã từng là nhà văn, với dăm ba cuốn truyện, viết lách không chuyên lắm trên vài tờ báo trước đây.  Nhưng từ cái ngày ấy…

Trời chưa sáng hẳn.  Anh gác ống nghe bước ra sân.  Sương mù trắng xóa.  Một làn gió lành lạnh nhẹ lay những màng nhện đọng những hạt sương li ti phủ lên thảm cỏ như những chiếc khăn lụa mỏng.  Cái thị trấn nhỏ mới khai sinh chưa đầy vài năm này đang còn ngái ngủ trong giấc mơ mong manh về lớp áo văn minh đô thị với những căn nhà cấp bốn xây vội vàng, cái trồi cái sụt, đủ màu sắc, đủ kiểu cách trang trí, không theo một mô tiếp nào, và dĩ nhiên vẫn còn lầy lội.  Chỉ duy nhất ánh sáng điện và chiếc điện thoại là biểu tượng cụ thể của văn minh.

Từ lâu kể từ cái ngày định mệnh ấy anh đã không nghĩ đến chuyện viết lách, lại càng không liên hệ với bạn bè, mặc dù có vài lần một đôi người khuyên anh thôi hãy vì cơm áo cứ viết lăng nhăng gì đó mà sống.  Anh cám ơn.

Viết lăng nhăng ư?. Hỡi ơi, nhà văn, anh là ai?  Viết lăng nhăng để kiếm cơm chăng?  Còn người đọc của anh là ai?  Họ trông chờ gì ở anh?

Ôi một nhà văn viết lăng nhăng!  Anh mỉm cười chua xót.

Anh quay vào nhà, lòng tự dưng buồn rười rượi.  Vợ anh đã pha cho anh một ly cà phê, nàng nhìn anh, nhỏ nhẹ:

-        Ai gọi cho anh mà sớm thế?

-        Một người phụ nữ.

Nàng mở to mắt nhìn anh.

-        Vâng, một người phụ nữ, em à. Anh linh cảm có chuyện gì đây.  Không ổn.

Rồi anh lẩm bẩm: Hỡi nhà thơ.  Không nên anh ạ. Hãy xem như mình chưa sinh ra trong đời này.  Đừng làm điều gì dại dột.

Vợ anh không hiểu anh nói gì nhưng trong lòng nàng bỗng thấy lo lắng vô cùng.  Nàng hiểu anh hơn ai hết. Những trăn trở của anh.  Những khát vọng của anh.  Những đam mê của anh.  Văn chương là lẽ sống của anh.  Mất nó anh xem như mình đã chết một phần.  Nhưng anh đã cam đành.  Anh sống lặng lẽ bên nàng, anh đứng bên lề cuộc sống nhìn chính mình càng ngày càng tàn rụi.

Anh vừa nhấp cà phê vừa lẩm bẩm trong đầu: Một nhà thơ?  Là ai?  Anh có biết không?  Đang ở đâu?  Anh đang định làm gì hỡi nhà thơ?

Nhưng rủi ro anh có gặp gì không may thì làm sao?  Tại sao người phụ nữ đó lại gọi cho anh để gần như trông chờ sự cứu giúp.  Anh cũng chỉ là kẻ đang qui hàng.  Sứ mạng của một nhà văn, dĩ nhiên là không cứu rỗi được ai, nhưng! Nhưng chẳng lẽ cũng bó tay nhìn, không một mảy may xúc động, không một cử chỉ biểu lộ tấm lòng, ít ra là tấm lòng của một con người. Ôi một nhà văn đã không thể viết lăng nhăng mà cũng không còn nhịp đập khắc khoải của con tim.

Hình như có thời anh cũng làm thơ.  Và anh đã thấy rằng thi ca cũng tồn tại từ khi có con người, dù ở thời kỳ tiến hóa nào của con người, từ những dân tộc văn minh nhất đến những bộ lạc rừng rú nhất.  Nhân loại không có thơ nhân loại đó sẽ bị hủy diệt.  Thơ là con đường đưa nhân loại đến CÁI ĐẸP.

Thế mà bây giờ anh ở đây, bất lực.

-        Không.  Không thể như thế.  Tôi sẽ đi tìm anh, anh bạn nhà thơ ạ.

***

-        Ô, chào anh, nhà văn.

Cuộc điện đàm lại tiếp tục sau đó khoảng hơn một tuần lễ.  Giọng người phụ nữ bây giờ có vẻ an tâm hơn.  Anh nghe giọng chị ấm và tha thiết lạ.  Anh rất muốn gặp chị hay ít ra cũng phải biết chị là ai, ở đâu, quan hệ thế nào với nhà thơ kia.

-        Anh ạ, cách đây mấy hôm tôi cứ nghĩ là anh nhà thơ đó đã bị hại rồi, nhưng may quá, vắng mặt hai hôm thì anh ấy trở về.  Lạy Chúa!

-        Xin lỗi chị, anh lại thay đổi cách xưng hô, chị có thể nói rõ hơn một tí được không? Tôi sẵn lòng nghe chị đây.

Im lặng một lát tiếng người phụ nữ bên đầu kia chậm rãi:

-        Anh ấy là một nhà thơ.  Chắc chắn như thế. Anh ấy đang thuê một căn gác bên cạnh nhà tôi, ít khi thấy anh ấy xuất hiện, hầu như hiếm khi ra ngoài. Chẳng thấy vợ con.  Nhưng anh ấy là nhà thơ.  Chắc chắn thế.  Bởi vì thỉnh thoảng tôi nghe anh ấy đọc thơ một mình.

Yên lặng một lát, hình như để nén sự xúc động, chị tiếp tục với một giọng trầm hơn:

-        Anh ấy đọc thơ, những bài thơ buồn rười rượi, tôi đứng khóc một mình khi nghe anh ấy đọc thơ…

-        

-        Hình như anh ấy không có ai thân thích.  Rất hiếm khi, một vài người, có lẽ là bạn của anh ấy đến.  Nhưng họ đến và đi trong im lặng, hoặc giả là họ có nói chuyện gì với nhau tôi cũng không nghe rõ, tôi cũng không cho phép mình tò mò nghe lén chuyện của họ.

-        Anh ơi.  Lại người phụ nữ ấy phải không?  Vợ anh từ sau bếp bước ra.

-        Xin giới thiệu với chị, vợ tôi, anh nói với người phụ nữ ở đầu dây bên kia.

-        Xin gởi lời chào chị.  Hiếm khi nào tôi nhìn thấy anh ấy cười.  Hình như giờ phút hạnh phúc nhất, hay ít ra cũng là giờ phút anh ấy vui là một đôi lần anh ngồi kể chuyện cho các cháu nhỏ trước hiên nhà trọ.  Tôi ngồi bên này giả vờ cặm cuội đan len nhưng vẫn lén nghe anh kể chuyện.  Giọng anh ấm và tha thiết lạ thường.  Không biết bọn trẻ có hiểu gì về những câu truyện anh kể không nhưng chúng chăm chú và có vẻ mến anh ấy lắm.

-        

-        Cảm động nhất là khi anh ấy kể chuyện Les Misérables của Victor Hugo, anh ấy thường dừng ngang câu chuyện để nói một cách say sưa về những bất công, những mâu thuẩn, những khổ đau của tầng lớp lao động.  Anh ấy kể về Doctor Zhivago, về Lối Thoát Cuối Cùng, về Giờ Thứ Hai Mươi Lăm.  Anh ấy nói về những ông chủ cũ và những ông chủ mới.

Thú thật là đôi khi tôi cũng không hiểu mấy về những điều anh ấy muốn nói. Nhưng tôi luôn thấy bị cuốn vào những câu chuyện anh ấy kể, bọn trẻ thì khỏi nói, chúng há hốc mồm ra mà nghe.

-        Nhưng thưa cô, anh lại thay đổi cách xưng hô, chẳng lẽ cô cũng không biết anh ấy tên gì sao.  Theo cô thì anh ấy đang gặp nguy hiểm?  Và tôi, tôi làm được cái gì?

-        Có thể anh ấy sẽ gặp nguy hiểm Ông ạ, tôi linh cảm thế, hay tại tôi lo xa quá. Tôi không quan tâm anh ấy tên gì, đối với tôi anh ấy là nhà thơ, hay ta gọi tên anh ấy là NHÀ THƠ.

-        Tôi nghĩ ông có biết anh ấy, có thể anh ấy cùng thời với ông.

-        Tiếc là cô không biết tên anh ấy, không thì tôi không thể nhận ra.
Thôi được, tôi sẽ cố hỏi tên anh ấy.  Nhưng mà tại sao anh biết tôi gọi anh mà không gọi ai khác để nói chuyện này không?  Đơn giản anh là một NHÀ VĂN.  Thế thôi. Đối với tôi nhà thơ nhà văn là một.  Các anh chỉ khác nhau là một người thì diễn đạt điều này theo văn xuôi, người kia thì biểu đạt bằng thơ.  Nhịp đập trái tim của các anh giống nhau, khát vọng của các anh giống nhau, và sứ mạng của các anh như nhau. Phải không ông?  Nàng cũng lại thay đổi cách xưng hô.  Hy vọng có ngày ông sẽ gặp anh ấy. Tôi rất mong điều đó.
Tôi nghĩ gọi như thế này không phiền anh chị chứ?

-        Vâng. Vâng.  Không có gì phiền đâu cô ạ. Tôi cũng mong cô gọi cho tôi luôn, nhất là nói thêm nhiều về anh ấy. Anh ấy có gì, xin cô báo cho tôi ngay, có thể tôi chẳng giúp gì được cho anh ấy, song tôi cũng không thể dửng dưng.

-        Cám ơn anh.  Thôi xin tạm biệt anh.  Tôi gởi lời thăm chị.

Anh gác máy. Đứng trầm ngâm một lúc, anh ra trước hiên ngồi xuống bậc thềm, châm thuốc. Mặt trời như một quả cầu lửa đỏ rực đang nhô lên khỏi hàng dương liễu rọi xuống cảnh vật muôn màu máu đỏ tươi. Một vài con chim sâu nhảy ngoài hàng dâm bụt kêu chim chip anh nghe như tiếng than của một người trong cơn mê.

Suốt mấy tuần lễ nay anh không ngủ yên giấc được, những điều người phụ nữ xa lạ đó kể với anh về con người ấy, nhà thơ, anh cố hình dung những khuôn mặt bạn bè xưa cũ, những người đã cùng anh một thời đam mê, với tấm lòng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, mơ về một nhân loại hòa bình, mọi người gặp nhau là tay bắt mặt mừng, xem nhau như anh em ruột thịt, đầu phố cuối thôn lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.  Suốt cả chiều dài của lịch sử nhân loại là một màu xanh biêng biếc.  Những con đường ngang dọc suốt địa cầu cây xanh rợp bóng, rừng xanh sóng biếc rộn rã tiếng chim ca. Những cánh đồng vàng thơm lúa chín.  Những thung lũng đầy hoa rập rờn ong bướm.  Những cô con gái mười lăm mười sáu, má đỏ hây hây, môi mọng chín thơm mùi hoa cỏ lúc nào cũng hát ca trong thiên đường tình yêu tràn mật ngọt.  Và anh, kẻ được giao phó một sứ mệnh cao cả, hỡi nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, hỡi anh, người nghệ sĩ của đất trời sẽ tung hô CÁI ĐẸP.

Ôi nhân loại sẽ không bao giờ còn thấy máu đồng loại đổ xuống trên những khu vườn, trong những khu tập thể, trên những dòng sông.  Không có nước mắt của người mẹ khóc con bỏ xác ngoài biên ải xa xôi, không có vành khăn sô trên đầu thiếu phụ.  Không có trẻ mồ côi, không có cô nhi viện, không có trại tế bần.  Đêm không còn nghe tiếng súng, không còn phấp phỏng lo sợ đạn pháo từ rừng sâu dội về, không còn người Nam kẻ Bắc tay lăm lăm gươm giáo, nhìn nhau mắt đỏ ngầu thù hận.  Sẽ không bao giờ còn mồ chôn sống tập thể.  Không bao giờ còn thấy cảnh xe đò nằm banh xác, xác người cháy đen. Không còn hố hầm chông mìn lựu đạn…Ôi anh mơ về một nhân loại không hề biết hai từ chiến tranh, không hề biết ý niệm thù hận, không có học thuyết, không trắng không đỏ, không giáo chủ này giáo chủ nọ.  Con người chỉ có một chân lý duy nhất để tôn thờ CÁI ĐẸP.

Ảo tưởng chăng?  Không. Đó là con đường nhân loại bắt buộc phải đi, cái đích nhân loại phải tới.  Nhân loại ơi! Hãy nắm tay nhau đi về phía cánh đồng tình yêu ngát hoa nhân ái.

Vợ anh từ trong nhà bước ra, khẽ quàng hai tay lên vai anh, nàng gục đầu vào ngực chồng hôn tha thiết vào chỗ trái tim anh đang đập yếu ớt, ngậm ngùi. Một cơn gió thoảng qua se lạnh.  Anh nhớ đến những năm tháng còn ở nơi một thành phố nhỏ có những dòng sông hiền hòa chảy qua, những chiếc cầu nối đôi bờ nho nhỏ xinh xinh, mỗi chiều mỗi sáng tiếng chuông nhà thờ vang lên lan xa trong cái se lạnh của gió mùa, những người đi lễ thấp thoáng dưới bóng những cây long não chập chờn trong màn sương mỏng như những bóng mây trôi. Lúc ấy anh đã mơ về một thế giới thần tiên cổ tích.

Nhưng rồi, một đêm, có cái gì đó rờn rợn trong hơi gió mùa đông thổi qua lòng thành phố, mang cái âm u, rờn rợn từ rừng xa chảy về luồn vào tận xương tủy anh. Và rồi cái âm thanh hung bạo của đạn pháo dội về từng đêm, từng đêm. Phố không còn ngủ yên. Phố chong mắt từng đêm phập phồng trong âu lo. Rồi mọi người ra đi bỏ phố lại trong tiêu điều. Anh cũng như mọi người, ra đi theo dòng trôi dạt vô bờ.

Anh nhẫm đọc bài thơ: Phương Nam, khúc ca trôi giạt của khóm lục bình, của một người bạn thơ, mà lòng buồn rười rượi.

-        Vào thôi anh, trời lạnh lắm.

Vợ anh âu yếm nắm tay anh, một chiếc lá vô tình rơi xuống vai nàng, hình như màu lá còn xanh lắm.

Và hình như thời gian đang dừng lại ở đấy, lúc hai mươi lăm giờ.

Thế rồi, bẳng đi một thời gian khá dài, tiếng chuông điện thoại cũ lại vang lên trong ngôi nhà đó, lần này không phải vào buổi sáng sớm như mọi khi, tiếng chuông vang lên trong lúc trời vừa tối:

-        A lô!  Chào anh nhà văn.

-        Xin lỗi, tôi không phải là nhà văn, giọng một phụ nữ trả lời.

-        Vậy xin lỗi bà, tôi có gọi nhầm số không ạ?

-        Không.

-        Có phải chị không ạ?  Ông nhà đi vắng hả chị?

-        Tôi cũng không phải là vợ ông nhà văn đó, thưa cô.

-        Vậy chị là…

-        …là chủ mới của căn nhà này.  Cô là gì của ông nhà văn đó, cô?

-        Tôi chỉ là người quen thôi chị ạ.

-        Hèn gì mà cô không hay biết.

-        ???

-        Ông ấy đã mất cách đây mấy tháng rồi.

-        Chết?  Tại sao?

-        Tự tử.

-        Lạy Chúa! Thế vợ của anh ấy đâu?

-        Sau khi lo cho chồng bà ấy bán căn nhà này lại cho chúng tôi, và nghe đâu về dưới quê.

-        Lạy Chúa! Ôi! Xin người cứu con.

Giọng ở đầu dây bên này an ủi:

-        Thế nào rồi cũng phải, thế nào rồi cũng phải, cô ạ.

Hình như ở đầu dây bên kia có một tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng nấc chảy suốt đường âm thanh trong không gian vang lên tức tửi qua máy điện thoại.

Lê Nam Phương

No comments:

Post a Comment

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...