Monday, January 13, 2020

Trang Kontum


“CHÙM” THƠ LÊ VĂN TRUNG
(TRÍ THỨC NUÔI GÀ Ở LONG KHÁNH)


 Nguyễn Văn Trung sinh năm 1947 tại Phước Ninh, Đà Nẵng. Trước 1975 dạy học. Sau 1975 làm công nhân và làm rẫy tại Long Khánh.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Bi Khúc (thơ, Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2010).
– Thu Hoang Đường (thơ, Thư Ấn Quán, 2018).


BÀI CUỒNG CA BUỒN BÃ
(Tặng Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn,
Phạm Cao Hoàng, Phan Xuân Sinh)


Đất nẻ gió khô mùa hạ cháy
Bò trâu gặm đá trọc đồi trơ
Ta nuốt tình em cho quên đói
Dòng lệ khô bầm đôi mắt thơ

Thôi giận ta chi: mơ đại cuộc
Thánh nhân lạc buổi nhiễu nhương này
Rát mặt mài gươm cơn gió thốc
Giáo gươm còn sao cụt chân tay

Thôi giận ta chi chiều đã tận
Chờ nhau dẫu bỏ xác quê người
Sách vở bùng lên nguồn lửa hận
Tro tàn bay mù mịt đất trời

Thôi giận ta chi cơn bão sử
Vận hạn đến hồi chung cuộc đây
Nơi đâu cũng nực mùi xú uế
Hãy cướp luôn đi giọt máu này

Dẫu chẳng cam làm tên thất chí
Đêm dài đối mặt với tiền nhân
Sấm kinh đã hết hồi linh ứng
Đất trời đầy một lũ vô luân

Có kẻ ngang qua thành quách cũ
Một màu hoang phế lạnh căm căm
Chẳng có nhang trầm xin xá tội
Đốt cành khô nhận chút thành tâm

Có kẻ lạc xiêu dăm buổi chợ
Cuồng ngâm nỗi xót nhục suy tàn
Nghe trái tim còn thoi thóp đập
Như lời đòi đoạn của trăm năm

Có kẻ đêm nay làm khách trọ
Huỳnh Dương ơi hỡi đất Huỳnh Dương (1)
Ngửa mặt nhìn mông mông trời rộng
Ôi cố hương nào qui cố hương

Có kẻ đi quanh mồ tử sĩ
Đọc thấy tên mình trên mộ bia
Hỡi ơi những mất còn dâu biển
Chẳng lẽ đời ta lạc chốn này

Có kẻ giải buồn dăm chén rượu
Ta nay một giọt đã đắng lòng
Người xưa “tam bôi thông đại đạo” (2)
Mời nhau rượu đục tấm lòng trong

Có kẻ bỏ làng lên núi thẳm (3)
Khát uống nước suối đói rau rừng
Ta bỏ đời ta không chỗ trú
Không còn một dúm đất dung thân

Có kẻ nghêu ngao ngoài góc phố
Khóc cười bất chợt, hỏi vì đâu
Ta bỗng dưng thành người thất thổ
Ngó lại đồi xưa mây bạc đầu

Có kẻ đêm ngày che kín mắt
Sợ nhìn rõ mặt đứa vô lương
Ta muốn giam mình trong tịch cốc
Dối lòng chẳng bận gió muôn phương

Ma quỉ lộng hành đền miếu đổ
Thánh thần xiêu lạc bãi gò hoang
Có kẻ đêm nay buồn dưới mộ
Đau từng giọt máu từng đốt xương

Đêm nay qua bến quạnh sông mù
Lòng chạnh soi tình trăng hổ ngươi
Nhớ ai ta nhớ từng sợi tóc
Yêu người không giải nổi niềm đau

Đêm nay phơi áo bên ghềnh đá
Nằm gối lên sương lạnh buốt lòng
Có kẻ muôn đời như khách lạ
Hoàng hạc bay rồi vô cố nhân

Năm tháng đã đành năm tháng cũ
Nỗi sầu này giống nỗi sầu xưa?
Sương khói ngàn năm đau xé ruột
Đâu mái nhà xưa để nhớ nhà? (3)

Thất tán mười phương trôi lạc chợ
Sống chẳng ra ma chẳng giống người
Chẳng giống thì thôi thì đành vậy
Sao còn chua xót mãi không nguôi

Có kẻ vô tình nhen bếp lửa
Tưởng chừng thiên hạ thức đêm nay
Tưởng chừng khi cùng đường mạt vận
Còn chút lòng nhau ở chốn này

Sống cũng thêm dăm ba tuổi nữa
Chết thì dăm tuổi có hề chi
Chỉ sợ lòng ta không đủ chứa
Nỗi đau trùm xuống thế gian này

Chỉ sợ lòng ta em chẳng rõ
Chút tình cố cựu chết bên sông
Ngồi tựa chân cầu con nước vỗ
Vào mạn đời ta buổi mịt mùng

Hỡi kẻ đã từng mang gươm báu
Uống hộ chiều nay chén rượu này
Dẫu phải qua sông không trở lại
Ngửa mặt nhìn trời mây trắng bay (4).
                        Lê Văn Trung

Chú thích

(1):Túc Huỳnh Dương,thơ Bạch Cư Dị
(2):Hạ Huyệt Đôc Chước,thơ Lý Bạch
(3): Hoàng Hạc Lâu,thơ Thôi Hiệu

Ghi thêm:

Túc Huỳnh Dương, Trọ ở Huỳnh Dương
Sinh ra tại đất Huỳnh Dương

Tuổi xuân đã sớm cố hương chia lìa
Bốn mươi năm dài xa quê
Giờ làm khách trọ não nề Huỳnh Dương
Mới mười tuổi đã dặm trường
Đến nay xấp xỉ tuổi chừng sáu mươi
Hồn nhiên thuở nhỏ vui cười
Như còn hiển hiện trước người hôm nay
Nhà xưa chẳng biết nơi đâu
Họ hàng lân lý ai nào thấy ai
Phải chăng phố chợ đổi dời
Gò xưa hang cũ cũng thôi chẳng còn
Mà sao sông Vị sông Trăn
Trong xanh một sắc vĩnh hằng sông ơi

Lê Văn Trung (tạm chuyển thành văn vần)

Thiếu tiểu ly hương khúc
Thiều thiều tứ thập tải
Phục đáo Huỳnh Dương túc
Khứ thì thập nhất nhị
Kim niên ngũ thập lục
Truy tư nhi hí thì
Uyển nhiên do tại mục
Cựu cư thất xứ sở
Cố lý vô tong tộc
Khởi duy biến triều thi
Kiêm diện thiên lăng cốc
Độc hưu Trăn Vị thuỷ
Vô tình y cựu lục
                      Bạch Cư Dị

BIỆT


Ta đi có lẽ không về nữa
Về làm chi quê quán mịt mùng
Mẹ cha chắc đã tan thành đất
Đất ở đâu cũng lạnh vô cùng

Đất ở đâu cũng màu luân lạc
Và nỗi buồn trải quạnh như sương
Ta đi có lẽ không về nữa
Về làm chi bến mịt sông mù

Em giờ chắc đã thành góa phụ
Xương trắng cồn hoang đêm chó tru
Hồn ai xiêu lạc đền rêu cũ
Cũng đành nén lệ khóc thiên thu
Ta đi là biệt đời nhau nhé
Em có lên ngàn ngóng bốn phương
Đã biết trăm năm tình hóa đá
Thì mong chi giọt lệ tương phùng

Đã biết ta trăm đường muôn ngả
Không chốn nào là chốn dung thân
Thôi cứ xem như ta chẳng về
Xem như đời chỉ tạm ngang qua

Thân là hạt bụi bay trong gió
Đậu xuống trần gian như giấc mơ
Đậu xuống lòng em như điềm gỡ
Nỗi đau truyền kiếp tự bao giờ

Thôi xem như chưa hề có nhau
Hai ta là hai cõi chiêm bao
Em và ta là hai chiếc lá
Chiếc rơi triền thấp chiếc đồi cao

Giông bão thổi tung ngàn số phận
Lạc nhau từ giấc mộng ban đầu


Về làm chi thôi về làm chi
Thà cứ như người không bản quán
Không họ hàng không cả tông chi
Đời ở đâu cũng đời nhiều loạn
Ta ở đâu nào có hơn gì
Người ở đâu cũng người xa lạ
Thôi về chi rào chắn giậu che
Thôi về làm chi đừng hỏi nữa
Gươm cuồng tay mỏi chí tàn suy
Đốt đuốc mà soi lòng nhân thế

Đất trời là một khối vô tri


Qua bao vong diệt cùng dâu bể
Trái tim người là nấm mộ đây
Đôi mắt đã mù khô cả lệ
Thì rót làm sao chén rượu đầy
Về làm chi về làm chi hỡi
Ngươi phương mù áo rách tang thương
Ta nghe ngươi hát lời vinh Thánh
Mà buồn hơn khúc hát đoạn trường
Ta thấy ngươi ngồi ôm tượng Chúa
Mà như ôm cả thế gian buồn

Thôi về làm chi về làm chi
Ngươi và ta hai kẻ sau cùng
Cứ đi cho hết vòng luân chuyển
Mà ngắm nhân gian đã loạn cuồng
Trái tim người chứa toàn sâu bọ
Rắn rít trườn lên cuôn chặt hồn

Ta đi có lẽ không về nữa
Gặp ngươi nơi góc biển chân trời
Tình như phù vân không hò hẹn
Lòng như sương khói chẳng buồn vui
Ta chỉ thương ngươi còn vọng tưởng
Một trần gian quá đổi ngậm ngùi
Ta chỉ thương ta còn ngất ngưỡng
Đi- về hai nẻo vẫn chưa nguôi.
                            Lê Văn Trung

ĐỢI CHỜ ĐẾN CUỐI CUỘC TANG THƯƠNG
1.
Ta về ghé lại gian nhà cũ
Ngõ vắng, dây bìm chen lối vào
Nền gạch xám khô, tường mốc thẫm
Cây khế tàn bông rụng đớn đau
Cánh cửa mười năm còn để mở
Đìu hiu như mỏi cuộc mong chờ
Ta bước ngại ngần, xiêu bóng đổ
Run run thềm tối nhện giăng mờ

Con mực ốm già không nhớ nổi
Gầm gừ chẳng tỏ dấu thân quen
Ta gẫm đời ta chừng bao tuổi
Mịt mù như đã mấy trăm năm

Ta gọi mà không thành tiếng gọi
Lời ta chìm nghẹn ở trong lòng
(Ai cướp đời ta cả tiếng nói)
Ta về đây vườn trống nhà không

Ta vuốt ve từng ngọn cỏ khô
Từng viên sỏi vụn tự bao giờ
Lòng ta cũng cháy theo mùa hạn
Cõi người đã khát những cơn mưa

Lòng ta cũng cháy theo mùa hạn
Đất nẻ sâu hằn những nếp nhăn
Ai vắt khô rồi dòng suối cạn
Và mắt đời khô giọt lệ bầm

Ta về như đứa con lưu lạc
Nửa đời áo rách vá tang thương
Trăm nẻo ngược xuôi không ngỏ thoát
Ta đành như kẻ mất quê hương

Đâu lũ chim sâu mùa nhãn chín
Buồng cau con sẻ ríu ran xưa
Ta nhìn chỉ thấy màu mây bạc
Hiu hắt đùn quanh ngọn núi mờ

Muốn hỏi mà nghe lòng se quặn
Bạn bè, thân quyến, vợ con đâu?
Cơn gió độc nào xô đuổi tới
Trăm năm đành lạc mất đời nhau

Ta về như lá khô vừa rụng
Thương nhớ màu xanh buổi thiếu thời 
Ai ném đời ta qua biển sóng
Máu xương nào cũng máu xương thôi

Em giạt về đâu? Cơn bão dữ
Có biết ta rã cuộc kiếm tìm
Ai đã biến ta thành kẻ lạ
Giữa trái tim người rỉ máu đen
Ta về như cánh chim bay lạc
Đậu xuống vườn xưa lạnh tiếng kêu
Ai bắt đời chim quên giọng hót
Lời chim rịn máu đỏ mây chiều

Về nghe con dế nằm trong cỏ
Một tối khuya nào gáy dưới sương
Giờ đây tiếng dế chìm quên lãng
Ta lạc vào trong cõi nhiễu nhương
Thôi chẳng còn gì, xin gửi lại
Ta như con vượn lẻ đầu non
Gửi xuống trần gian cơn hú dại
Tiếng đau vang lạnh cuối phương ngàn

Thôi chẳng còn gì, xin gửi lại
Ta tật nguyền đến cả niềm tin
Ta về như đất về trong đất
Còn, mất xoay vòng luật biến thiên

Em có còn bên trời sương khói
Một đêm nào lòng chạnh xót xa
Hãy thắp giùm ta đôi giọt lệ
Gọi là đền đáp nghĩa tình xưa

Gọi là đã trót chìm dâu bể
Thì sá gì năm hạn tháng mưa
Ào ào loạn gió oan khiên tới
Thổi tắt trần gian ngọn nến mờ

Thôi hãy vì nhau mà giữ lại
Chút tàn tro: bí tích nhiệm màu
Một mai dựng lại thiên đường mới
Trời đất muôn loài thương mến nhau

Một mai dựng lại thiên đường mới
Em trồng hoa trên mỗi lối về
Ta dẫu đui mù, thân phế tật
Ôm ghì thiên hạ trong hai tay

Thôi hãy vì nhau xin gắng đợi
Giờ phục sinh. Đợi giờ phục sinh!
Ngày mai Chúa sẽ từ trong đất
Về trần gian rao giảng hòa bình

Em thắp giùm ta nghìn ngọn nến
Ta ngồi vẽ lại giấc mơ xưa
Em rót giùm ta nghìn cốc rượu
Uống vì thiên hạ buổi can qua
Thôi hãy vì nhau xin gắng đợi
Dù đời ta cuối bải đầu ghềnh
Sẽ có ngày bên gian nhà cũ
Ta ngồi kể chuyện dưới sao đêm

Em hát mừng qua cơn mộng dữ
Áo tình một sớm tỏa hương xuân
Ta rước em về gian nhà cũ
Trồng lại vườn rau, chăm khóm hồng

Ta sẽ khai mương thông lạch mới
Con cá reo mừng vẫy sóng xao
Rừng núi hồi sinh đêm vũ hội
Tạ đất trời thoát cuộc binh đao

Ong bướm xôn xao mừng lễ cưới
Chúc phúc ta nên đời vợ chồng
Ta hôn lên mắt ngời khát vọng
Quên chuyện mười năm cũ nát lòng

Đôi chim mùa trước về xây tổ
Trên đọt cau già mới trổ hoa
Ta trải lòng ta lên cỏ mượt
Em hiền nhung lụa giấc mơ ta

Ta sẽ gom thâu từng vỏ đạn
Từng mảnh bom cuối rạch đầu ngòi
Từng mảnh xương người, manh vải mục
Từng dòng uất nghẹn cháy khôn nguôi

Ấy thế mà khi ta trở về
Vườn xưa quạnh quẻ, xác mai gầy
Cúi hôn mặt đất còn đau buốt
Ngọn gió oan hờn thổi sắt se


Bóng ta đổ xuống bên hiên vắng
Như bóng ma về khóc đớn đau
Thôi hãy vì nhau mà gắng đợi
Một ngày thăm thẳm của mai sau
Rồi cõi lòng em sẽ bừng nở
Một màu hoa rất đổi dị thường
Cánh cửa đời ta còn để mở
Đợi chờ đến cuối cuộc tang thương.

2.

Ta về tay níu hoài khung cửa
Gọi xót xa từng nỗi nhớ quên
Gọi những lòng đi không trở lại
Gọi những tình xanh đã úa vàng

Ta về tay níu niềm hoang phế
Thương vách tường rêu lạnh nỗi niềm
Hỡi em nhan sắc chìm dâu bể
Hỡi ta nghìn dặm những lênh đênh

Ta về tay níu lòng hư ảo
Hụt giữa bờ đau giấc mộng người
Hụt giữa trăm năm mùa trăng vỡ
Hụt giữa đời nhau quá ngậm ngùi

Ta về tay níu nhành lan úa
Thương tóc đêm rằm lộng phấn hương
Chừ biết tìm đâu hồn nhung lụa
Một thuở tình mây áo nguyệt vàng

Ta về? Ta níu ta! Một bóng
Nghe gió oan khiên thổi buốt lòng
Đời nhau? Còn chỉ từng con sóng
Vỗ mãi về đâu những tiếc thương!
                             Lê Văn Trung

NGUÔI QUÊN!

Lòng cũng đã buổi tàn thu em ạ 
Tình hoàng hôn xao xác gió giao mùa 
Những chiếc lá cuối cùng treo nỗi nhớ 
Mãi không đành rụng xuống nỗi buồn xưa

Ta cúi nhặt lên từng chùm rêu úa 
Tìm dấu chân người một thuở giẫm lên rêu 
Và lặng nghe tận linh hồn cây cỏ 
Sợi tóc nào còn thoáng chút hương phai
Ta lặng nghe tiếng mùa xưa réo gọi 
Sao không về cho kịp chuyến tàu khuya 
Sân ga cũ đã chìm trong sương gội 
Tiếng còi buồn vang vọng suốt cơn mơ

Màu trăng úa vàng theo màu lá rụng 
Tình cũng vàng treo nỗi nhớ chênh vênh 
Ta nhặt góp những tàn phai kỷ niệm 
Trả lại người cho đủ nghĩa nguôi quên.
                         Lê Văn Trung

PHỐ XƯA
*http://www.phamcaohoang.com/2018/11/846-le-van-trung-pho-xua.html   

Có kẻ đêm nay về ngang phố 

Nhớ từng chiếc lá rơi bên đường 
Nhớ lời ru lặng buồn trong gió 
Nhớ áo quỳnh hương nhuộm bóng trăng
Có kẻ đêm nay ngồi giữa phố 
Quán lạnh đèn vàng mưa hắt hiu 
Nhìn giọt cafe rơi rất chậm 
Rơi hoài cho kín một niềm đau

Rơi mãi chưa tròn lời hẹn ước 
Lòng còn soi quạnh bóng trăng khuya
Lòng còn lạnh suốt mùa sương cũ 
Còn mãi hoang mang một nẽo về

Phố bổng không quen, người cũng lạ 
Đường hút mù xa, tình cũng xa 
Hình như có chuyến tàu qua phố 
Vô tình bỏ lại một sân ga
                        Lê Văn Trung

TA NGƯỢC CHIỀU SINH TỬ ĐẾN VÔ BIÊN

Em vẽ một vòng cong vào đường bay vũ trụ
Như cánh chim cắt ngang bầu trời
Để cho ta suốt một đời lam lũ
Cặm cụi viết thơ tình phung phí cuộc rong chơi

Em tắt một vầng trăng
Vùi lấp hết sao trời
Đêm ba mươi đời mình ta như kẻ đui mù bước đi bằng trí huệ một ngàn năm khổ hạnh

Bằng tinh huyết thi ca
Bằng nhiệm mầu hiển Thánh
Ta mãi đi tìm thứ ánh sáng chiêm bao
Ta mãi đi tìm dù chỉ một vì sao
Trong vết cắt của đường bay vũ trụ

Ta dẫu biết triệu triệu năm ánh sáng
Ta vẫn xoay tròn như hành tinh cô đơn
Có bao nhiêu quỹ đạo trong một con người?
Có bao nhiêu quỹ đạo trong cõi tình em?
Và bao nhiêu đường dẫn vào trái tim?
Người ta bảo thi ca là nguồn cơn của hủy diệt
Để soi tìm vĩnh cửu giữa vô biên
Người ta bảo tình yêu là một đường bay không bao giờ có thật
Chỉ tỏa hương vào cơn mộng ảo huyền
Và mùi hương là độc dược thần tiên
Để hủy diệt và hồi sinh bất tử
Em vẽ một vòng cong vào đường bay vũ trụ
Ta ngược chiều sinh tử đến vô biên.
                            Lê Văn Trung

TRỞ VỀ

*https://sangtao.org/2019/11/27/trang-ve-tren-pho-mua-dong/
*https://sangtao.org/2019/11/27/trang-ve-tren-pho-mua-dong/#more-119660

Không trở về là lỗi với trăm năm
Ta rót nốt chén rượu đời cay nghiệt
Sẽ một mình ta trên chuyến tàu thứ nhất
Một mình ta hun hút dặm trường xa
Ta về như kẻ lưu phương tìm kiếm một quê nhà
Tìm kiếm lại một mối tình đã đành cam để mất
Tìm kiếm một hoàng hôn mây chìm trong mắt
Tìm lại vườn xưa xanh biếc tóc hoang đường
Ta trở về tìm kiếm từng giọt sương
Từng sợi nắng ẩn chìm trong áo lụa
Ta sẽ trở về như một lời tuyên hứa
Khấn trọn đời cho vẹn nghĩa trăm năm
Dù trăng ngày xưa chừ đã phai rằm
Dù áo tình xưa nhạt nhàu năm tháng
Dù bước tình xưa lạc dần vào quên lãng
Ta trở về như định mệnh đời ta
Ta trở về réo gọi giữa bao la
Tìm kiếm khổ đau trong nguồn hạnh phúc
Tìm kiếm bể dâu trong cái còn cái mất
Như mối tình chìm nỗi mấy mươi năm
Ta trở về tạ lỗi với trăm năm.
           Lê Văn Trung

VỀ THÔI
Thôi về gặp lại nhau lần cuối
Những bến sông buồn buổi tiễn đưa
Những ga tàu quạnh mùa sương cũ
Những quán đêm vàng hiu hắt khuya


Về để mà thương những dặm buồn
Con đường gió xõa tóc hoàng hôn
Con đường có lá rơi không hết
Trăng khuyết từ khi lá rụng vàng
Về để mà nghe từng nhịp gõ
Xưa người rao bán những cơn mơ
Về để mà nghe lời dang dở
Ta ngồi chắp vá từng câu thơ
Về đi 
Tô lại màu son cũ
Dù áo tình xưa có nhạt nhàu
Về đi
Thắp lại mùa trăng vỡ
Cho ái ân chìm trong nỗi đau.
                      Lê Văn Trung









No comments:

Post a Comment

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...