Tuesday, January 14, 2020

Bình thơ: VỀ VỚI THIÊN NHIÊN CÙNG LÊ VĂN TRUNG - Trần Văn Nam

VỀ VỚI THIÊN NHIÊN CÙNG LÊ VĂN TRUNG - Trần Văn Nam



 
Mặc dù thơ Lê Văn Trung đã hiện diện khá lâu trên các báo văn chương như Bách Khoa và Văn trước 1975, nhưng thơ anh chỉ xuất hiện rải rác nên ít người biết đến. Chừng năm ngoái đây, nhà thơ Thành Tôn có đem theo vài cuốn thi phẩm mới của anh nhờ biếu tặng cho một số thân hữu hải ngoại. Tập thơ màu xanh lá cây, nhan đề “Thơ Lê Văn Trung”, khổ sách gọn nhẹ của loại thi phẩm, thấy rất trang trọng. Tiếc rằng người viết bài này không có tập thơ ấy để biết nhiều hơn về thơ Lê Văn Trung, nên bài nơi đây chỉ căn cứ vào các bộ sách sưu tập di sản văn chương Miền Nam của nhà xuất bản Thư Ấn Quán ở New Jersey Hoa Kỳ, và vài bài thơ của anh trên Tạp chí Khởi Hành ở Wesminster 
California.

Trong đó, hai bài thơ tự do cùng một chủ đề “Trở Về Thiên Nhiên” (trong bộ sách “Thơ Tự Do Miền Nam” của nhà xuất bản kể trên) làm người yêu thơ mến cảm.

Chủ đề trở về thiên nhiên không phải mới lạ, nhiều thi sĩ Đông Tây Kim Cổ đã từng lấy làm chủ đề, nhưng thơ Lê Văn Trung thoát ra từ bối cảnh sông núi trời biển miền Nam-Trung-Bộ của nước Việt Nam. Chủ đề như vẳng gọi những người sinh trưởng ở đây nay đã sống nơi hải ngoại, hoặc vẳng gọi cho chính người hiện cư ngụ trong vùng mà quanh năm chỉ ở dưới đồng bằng hay trong các thành phố chen  chúc. Hiếm hoi, nó cũng vẳng gọi cho người viết bài này thời thơ ấu khoảng bảy tám tuổỉ đã từng chạy tản cư ở dưới rìa dãy Trường Sơn Nam Trung Bộ thuộc tỉnh Khánh Hòa, phiêu linh từ đồng bằng sông Cửu Long (lúc Pháp mới trở lại Đông Dương, sau vài năm Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, chắc vào khoảng năm 1947).

Nhưng trước hết, ta thử thẩm định một số câu thơ đạt của Lê Văn Trung trong các bài thơ ngoài chủ đề trở về với thiên nhiên.

Hai câu lục bát thuộc bài thơ “Hội Ngộ Sau Cùng” (Tạp chí Khởi Hành số 142, tháng 8.2008) nhắc nhở cho tất cả chúng ta nỗi buồn nhân thế, ai rồi cũng đi đến điểm hẹn sau cùng. Nhà thơ Viên Linh có bài viết “Cuộc Phó Hội U Minh” cũng tiên cảm số phận chung của nhân loại, đặc biệt đối với các nhà văn gần cuối đời đều thành thi sĩ. Tại sao như vậy? Nếu không lầm thì ý nhà thơ Viên Linh muốn phân biệt: để thành nhà văn thì phải gánh trách nhiệm với đời, phải dấn thân, phải nhớ mọi điều phiền toái; còn để thành thi sĩ thì phải quên hết mà đi vào tịch lặng.
 
Điều này rất tương ứng với ý tưởng chìm vào hố thẳm nội tâm trong thơ Lê Văn Trung, nhưng vài chỗ khác thì thơ Lê Văn Trung như vẫn còn u uất về nỗi cô đơn, nghĩa là vẫn còn vướng víu những hệ lụy thế gian, chưa siêu thoát vào an nhiên tự tại:

…Tôi lăn xuống dốc im lìm
Như hòn đá nhỏ tôi chìm trong tôi

… Lạnh buồn một tiếng chim kêu
Tôi lăn xuống nỗi đìu hiu đời mình.

 
Ta có thể khẳng định Lê Văn Trung chưa dứt khoát rủ bỏ tất cả tình cảm vướng bận cuộc đời, và cũng như phần lớn chúng ta trong tâm thức vẫn cứ mơ ước kín đáo những chuyện dài lâu trăm năm, chưa thể nào quên hết như một Đại Thiền Sư thoát tục.

Cùng tiên cảm giờ phó hội u minh, nhưng thơ của Mai Thảo làm ta cảm thức được vẻ buồn bã qua hình ảnh một hành khách cô độc bước lên chuyến tàu cuối của đời mình để đi vào màn đêm vô tận. Lời thơ ấy thoát thai từ cuộc đời cô đơn có thật lúc về già của nhà văn.

Thơ Lê Văn Trung cũng với ý tưởng một mình cô đơn đến giờ hẹn cuối đời, nhưng không lên từ một nhà ga mà ngồi đợi con thuyền tại bến trăm năm, áo lấm tấm hạt mưa. Thơ Mai Thảo có vẻ buồn tăm tối, thơ Lê văn Trung có vẻ buồn thơ mộng. Bến trăm năm, chúng ta đều kỳ vọng đến thời gian ấy (hoặc hơn nữa!) thì mới ra ngồi đợi chuyến ra đi cuối cùng.

Sự thật ta không rõ hoàn cảnh và tuổi đời của Lê Văn Trung, nhưng căn cứ vào nhã ý của Tạp chí Thư Quán Bản Thảo muốn làm một số đặc biệt về Lê Văn Trung, hẳn là Tạp chí biết rõ nhà thơ như thế nào. Chỉ căn cứ vào thơ trong bài “Người đi tìm cái bóng của mình”(trong Thư Quán Bản Thảo số 32, tháng 10.2008) thì hình ảnh người ngồi trên bến sông mưa thật đẹp, không đến nỗi nào:


Anh ngồi đếm giọt mưa buồn trên áo
Áo của người ngồi đợi bến trăm năm.

Tuy nhiên, thơ Lê Văn Trung đôi khi có nét bình thản, không quá hệ lụy đến chỗ trầm luân. Siêu thoát dứt bỏ tất cả vướng bận thì Lê Văn Trung có lẽ chưa đạt tới. Mà đắm chìm vào cơ cầu, vào tình trường, vào tai ương, thì Lê Văn Trung như đã thoát ra khỏi, lòng nhẹ nhỏm như mây trắng bay.

Nghe bài hát bất hủ “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, ta có lần thương cảm lời ca:

“Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương” 

hoặc nghe bài hát tuyệt vời “Tiếng Thời Gian” của nhạc sĩ Lâm Tuyền, ta xót xa nhưng nhận ra lời hát thật bi lụy những ngang trái vì giàu nghèo:

“Dừng chân dưới mưa dầm.
Nhìn lầu nguy nga ước mơ thầm.
Bao nhiêu xuân qua, lòng không tình yêu”. 

Trong khi đó, Lê Văn Trung qua bài “Ngày Xa” đã đạt tới trình độ làm cho lòng mình rỗng không, chẳng cần gì nữa:
… Tình không, không cửa không nhà
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều.
… Em nào hiểu giữa tai ương
Ta như mây gió trên đường chim bay.


Bây giờ xin nói đến chủ đề được thấy rõ qua hai bài thơ tự do của Lê Văn Trung. Đây là chủ đề phổ quát của chung phần lớn nhân loại. Như vậy, chắc nhà thơ không mấy hài lòng khi có người bàn chủ đề này mà lại đóng khung vào cảnh quang miền Nam-Trung-Bộ của Việt Nam. Miền Nam Trung Bộ có thể kể từ tỉnh Quảng Ngãi cho đến Bình Thuận với đặc điểm gần giống nhau như sau: dãy Trường Sơn trùng điệp xanh rì chạy dọc dài ở phía Tây, phía Đông trải dài mênh mang Thái Bình Dương, chính giữa là đồng bằng hẹp, ngoại trừ Bình Định và Phú Yên với diện tích nông nghiệp khá lớn. Xuyên suốt qua những đồng bằng là đường xe lửa Xuyên Việt như chạy trên một đường đê cao so với đồng ruộng. 

 
Đường xe lửa này có từ hơn một trăm năm qua do người Pháp xây dựng, và đang có dự án mở rộng đường sắt cho cùng một khổ với đường sắt quốc tế. Thắng cảnh và di tích cổ ở đây cũng không ít, so với Thừa Thiên và Quảng Nam thì không dồi dào bằng, nhưng là những di tích hiếm quý chưa được nói đến nhiều; ngoại trừ thành Đồ Bàn ở Bình Định, Tháp Bà Nha Trang, Tháp Chàm trên Đồi Trầu gần Phan Rang. Quảng Ngãi có cầu xe lửa sông Trà Khúc đồ sộ màu xanh lá cây đẹp hoang vu sát gần cửa sông ra biển, Phú Yên có cầu xe lửa Đà Rằng dài nhất Miền Trung và núi Đá Bia với bút tích vua Lê Thánh Tông, Bình Thuận với Lầu Ông Hoàng vang vọng thơ tình Hàn Mặc Tử và Sông Mao buồn thời chinh chiến trong thơ Nguyễn Bắc Sơn…
 Đặc biệt Khánh Hòa: ngoài thành phố du lịch bờ bãi tuyệt đẹp Nha Trang, hoặc cảng nước hải quân vừa rộng vừa sâu vừa kín gió tốt nhất thế giới Cam Ranh; còn có Vịnh Vân Phong cũng thật sâu và kín gió nằm ở phía Bắc Nha Trang độ ba mươi cây số. “Hòn Lớn mang tơi, Hòn Hèo đội nón”, đó là dấu hiệu thời tiết được người địa phương hình-tượng-hóa thật thơ mộng nói về mây vần vũ trên hai hòn đảo nhỏ trong vịnh Vân Phong, báo trước cho thuyền ghe biết sắp có bão. Từ Hòn Hèo, đi dần vào đất liền về hướng Tây, lần  lượt là thôn Phong Thạnh nằm ngay trên địa phận có đường xe lửa Xuyên Việt, đi thêm về hướng Tây sát gần dãy Trường Sơn là làng sơn cước Vạn Khê. Sơn thôn này có thật nhiều dòng suối trong vắt, làm cho loại tre thấp ven bờ quanh năm xanh tốt, và những trưa chiều vang vọng từ các đỉnh núi tiếng chim “bắt cô trói cột”… 

Bối cảnh Miền Nam Trung Bộ ấy thấp thoáng lộ ra trong thơ Lê Văn Trung, cũng chuyến tàu xe lửa chạy lướt qua dưới thấp trong khi nhà thơ đang về với thiên nhiên trên núi cao, cũng sương khói miền sơn cước, cũng những cánh chim và “những vì sao nở trắng” dọc dài đỉnh Trường Sơn vĩnh cửu:

… Rồi có một ngày trên đỉnh núi cao                 
Chút đời ta cũng vô cùng sương khói
Tình em nào có nghĩa gì với cỏ cây
Bởi hồn ta ta đã phủ đầy mây trắng.

...Làm sao đưa ta đến những vì sao
Nở trắng một trời vĩnh cửu.

… Ngày ta về với hư vô
Bay theo những cánh chim hồng
Trong suốt đời tịch mạc.
(Trích từ bài: Ngày về với thiên nhiên)

… ngày  mai anh về hát trên rừng xanh
có các em nắm tay nhau khiêu vũ
… đôi tay giang ra trong giờ thuyết giáo
anh sẽ hát với các em
những bài ngợi ca thiên nhiên
ngợi ca các em
những thiên thần bé nhỏ

… ngày mai anh về hát trên rừng xanh
có các em thổi tù-và qua lũng thấp
khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
xin gởi đi những hệ lụy đời anh
và gởi đi những phiền muộn đời em
chúng ta sắp đến giờ thánh tẩy.
(Trích từ bài: Giờ thánh tẩy)

 
Có những yếu tố, những từ ngữ trong thơ của Lê Văn Trung mang dáng dấp văn hóa Tây phương: thay vì những con két xanh thường có trên dãy Trường Sơn thì lại là những cánh chim hồng; thay vì tiếng mõ trâu bò về chuồng thì lại là tiếng tù-và dưới thung lũng; thay vì cô độc trên chòi lá thì lại cùng khiêu vũ với các thiên thần bé nhỏ; thay vì chuyến tàu xe lửa băng qua đồng ruộng lúa nước thì lại băng qua đồng cỏ xanh. Những hình ảnh và từ ngữ ấy làm ta củng cố thêm sự suy diễn: tác giả Lê Văn Trung không muốn chủ đề “Về Với Thiên Nhiên” hoàn toàn đóng khung vào cảnh quang Miền Nam Trung Bộ, dù ta thấy cảm hứng của tác giả đã thoát thai từ đó. Tác giả muốn có được tính chất phổ quát về không gian như tính chất phổ quát của chủ đề thường được đề cập đến này.

Hành trình cảm thức cuộc trở về với thiên nhiên, qua thơ Lê Văn Trung, gần giống như đi từ rung động bài hát “Nương Chiều” (của nhạc sĩ Phạm Duy) trầm buồn miền sơn cước Việt Bắc, rồi lạc dần sang mỹ cảm bài hát “Tiếng Vọng Chiều Vàng” (của nhạc sĩ Văn Phụng)* với nhịp điệu âm vang trên miền bình nguyên hoang vu Nam Mỹ.

 TRẦN VĂN NAM

(Trích trong Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 34. Bản gửi từ tác giả)
* Lời hát bài “O’ Cangaceiro” bằng tiếng Bồ Đào Nha tuy có nghĩa là “Kẻ Cướp Ở Brazil”, nhưng lại là một bài dân ca vui đùa, với bối cảnh hoang dã miền sơn cước của xứ Ba-Tây.

Trong khi đó bài hát “Tiếng Vọng Chiều Vàng” của nhạc sĩ Văn Phụng mang chất tâm cảnh của một lữ khách dừng bước giang hồ trong buổi chiều khi đồng quê chưa tối hẳn, dường như đang lửng thửng tìm một nơi nghỉ qua đêm. Ở Miền Nam Việt Nam, bài hát này một thời rất phổ biến, các ca sĩ thường hát (vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960). Có lẽ vì âm điệu gần giống bài “O’ Cangaceiro” nên không được nhạc sĩ Văn Phụng công nhận trong danh sách những sáng tác của ông. Và vì vậy bài hát gần như bị lãng quên. Sau đây là nguyên văn bài hát chiều vàng dàn trải nét đẹp đồng quê Việt Nam tuy âm điệu nhạc Nam Mỹ, với câu cuối có những nhịp đứt khúc được hát lặp lại hai lần:

“Hò ơi chiều ơi
Hò ơi ơi, chiều ơi chiều
Chiều nơi đây, trên đồng xanh bát ngát
Hoàng hôn rơi, khi đàn chim sáo sác
Tiếng hát ai, êm đềm cuối thôn
Bóng dáng ai, như bóng mục-đồng
Tiếng mõ trâu xen cùng tiếng ca
Đến với ta như nhạc đường xa
Chiều ơi!
Reo buồn khắp nơi
Ai ơi!
Cung sầu khó vơi
Khi ta ra đi, biết sầu chia ly, nỗi buồn chia ly, lúc xa quê nhà.
(VĂN PHỤNG)

 

Trần Văn Nam

No comments:

Post a Comment

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...