Tuesday, January 14, 2020

Bình thơ: Bậu trong thơ Trần Phù Thế - Lê Văn Trung

BẬU TRONG THƠ TRẦN PHÙ THẾ

- Lê Văn Trung

Không biết các nhà ngôn ngữ học giải nghĩa “bậu” như thế nào, tôi vẫn đinh ninh rằng dù giải nghĩa thế nào đi nữa cũng không thể lột tả hết ý nghĩa tình cảm sâu đậm thiết tha mà đầy thương cảm của đại danh từ ngôi hai nầy.


Bậu là ai? “BẬU” là một thoáng gặp gỡ trong đời nhưng làm ta ngây ngất, và hình bóng”bậu” in mãi trong trái tim dào dạt thương yêu của ta.

“BẬU” là ai? “BẬU” là sắc là hương bừng nở một thời trong đam mê say đắm của ta.

”BẬU” là ai?”BẬU” là da là thịt là ái ân nồng thắm một đời vợ chồng. “BẬU” có thể ở đâu đó trong bẽ bàng ngang trái, đã để lại trong lòng ta trong lòng bậu những vết cào xước đủ làm chảy máu trái tim. 

“BẬU” có thể đã cùng ta đi trọn cõi trăm năm gian nan cơ cực hạnh phúc khổ đau. Nhưng “bậu” cũng có thể ở đâu đó trong dang dỡ phân li. Cho dù “bậu” là ai, một khi ta cất tiếng thiết tha gọi “bậu” thì cái nghĩa trăm năm, cái tình vạn kiếp cứ mãi với ta lên thác xuống ghềnh. Không bao giờ ta quên. Không thể nào nguôi quên.


Lần đầu tiên đọc bài “Bậu đi” của Trần Phù Thế mà Thư Quán Bản Thảo đã cố ý đăng lại hai kỳ đã để lại trong tôi những cảm xúc vừa thương tâm vừa ngậm ngùi. Hạ đình Thao đã nói với tôi: “không có bài thơ khóc vợ nào tự cổ chí kim mà hay hơn được”. Đúng quá.

Ta thử đến với “Gọi khan giọng tình” mà ở đó hình bóng của “bậu” được khắc họa như thế nào trong dòng thơ Trần Phù Thế.
Trong dân gian, ca dao, hát ru có khá nhiều câu gợi tình với hai tiếng “bậu ơi”. Cho dù trách móc giận hờn hay yêu thương tha thiết khi gọi lên tiếng “bậu ơi” ta vẫn nghe chìm khuất trong âm thanh đó một tấm lòng bao dung, một tấm tình sâu nặng:

“Bậu về Đại Ngãi mình ên
Bỏ quên kẹp tóc
Bắt đền tội ta
Bậu quên là tại bậu mà
Tại sao bậu bắt đền ta một đời”


Ở đây “bậu là ai?” Thì ra “bậu” chỉ mới là cô bé nhí nhảnh, láu lỉnh, cái nhí nhảnh láu lỉnh đáng yêu của một-giai-nhân-bé-nhỏ ở cái tuổi mười hai mười ba, cái tuổi đã bắt đầu thoang thoảng mùi hương he hé sắc màu:

Bậu về liếc mắt đong đưa
Gió xuân đầy mặt
Như vừa chín cây.

Đâu có “bậu” chỉ làm: “Ta mười lăm đã lòng say bậu rồi” mà cỏ cây cũng ưa bậu về…

Nhưng rồi cái tuổi “chùm me chua lừng”, “xoài tượng thơm giòn” cũng lớn lên như “trái chín”. Trong tim người thi sĩ hình bóng “bậu” vẫn y nguyên, cái tình dành cho “bậu” đã miên viễn thiên thu chảy trong máu huyết, trong thịt da cháy bỏng niềm si mê:


“Ta rất nhẹ nâng niu tình hai đứa
Cất trong tim
Không dám chạm
Vào tim”

Để rồi:

“Ta nặng tình dẫu chết chẳng hề quên”. Tôi thương nhất hai câu:

“Bậu quên là tại bậu mà
Tại sao bậu bắt đền ta một đời”.
Chữ “mà” nghe ra tội nghiệp nhưng không bi lụy, tội nghiệp nhưng tràn đầy yêu dấu. Nói như thế thì làm sao mà bậu không thương được!


“Bậu” đã cố tình bỏ quên kẹp tóc để có cớ mà “bắt đền ta”, “bậu” là cô gái “tát nước đầu đình / bỏ quên chiếc áo trên nhành hoa sen”. “Cái kẹp tóc” hay “chiếc áo” là con đường quanh co thơ mộng băng qua thảm cỏ ái tình để rồi ràng buột nhau một đời, ràng buộc trăm năm.


Nhưng giấc mộng đời có bao giờ nguyên vẹn đâu. Và bi khúc là đoạn kết trong trường ca tình ái về “bậu”. Bởi vì sinh ly tử biệt là lẽ vô thường, “bậu” đi hay ta đi, trước sau gì cũng đến cái kết cuộc bi thương đó. Nhưng mà ông trời đã bắt bậu đi trước ta. Trong cõi hư không nào đó bậu còn luyến nhớ chốn trần gian hiu quạnh nầy:

“Bước qua ngưỡng cửa âm dương
Bậu đi mình bậu chẳng vương vấn gì
Còn ta ở lại sông lì
Một thân một bóng cu ki một mình”
“Bậu đi lạnh gối ta nằm
Hình như cái lạnh, lạnh ngầm trong xương”



Ta không dám chạm vào ngôn ngữ thi ca của Trần Phù Thế, bởi vì một sự giải nghĩa, phân tích, so sánh, đều vô ích, ta chỉ cảm nhận sâu lắng bằng sự đồng cảm xót xa để cố nén giọt nước mắt chực ứa ra khi đọc những dòng lục bát này:

“Bậu ơi sao bậu làm thinh
Nén nhang cơm lạt bóng hình là đây
Phất phơ hồn gió theo mây
Mỗi đêm giỡn bóng trăng gầy tàn đêm”



Nổi khổ đau trong niềm thương nhớ buốt lòng, như thấy được, hay chỉ là khát khao, hay chỉ là mơ tưởng, nhưng hình như ta cảm nhận đâu đó, quanh ta, trong lung linh sương khuya, trong lay động cây cỏ, trong hiu hắt gió mùa, trong ánh trăng huyền hoặc, “bậu” nhớ ta mà về:


“Bậu về trăng sáng ngút làng
Hương thơm phảng phất bàng hoàng hồn ta
Ngất ngây ôm bóng trăng, và
Tưởng đâu ôm bậu thịt da vẫn nồng”


Hiện thực sống đậy trong siêu tưởng. Nhan sắc bậu là đây! Thịt da bậu là đây!  Vẫn đầy-ứ-trong-rỗng-không, vẫn-rộn-ràng-trong-tịch-lặng, và ngời-ngợi-trong-phôi-pha. Cho nên ta cũng dọn mình để đi, đi là sự trở về với bậu cho dù “lênh đênh cõi nào”, bởi vì:

“Cho dù đất thấp trời cao
Tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi”

A ha! Đấy mới là một bi khúc nhưng là một hoan ca. “Tử sinh là mới bắt đầu cuộc chơi”
Sống chết là một cuộc chơi
Và chỉ mới bắt đầu thôi “bậu” ơi!!!

Lê Văn Trung
Quê nhà tháng 4-2009
Nguồn: Trần Phù Thế chuyển bài

No comments:

Post a Comment

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...