Lê
Văn Trung… Ta Đau Lòng Nhận Ra Hắn Là Ai!
NGUYỄN LỆ UYÊN
Ngày trước, nhiều người kêu lên “thơ Lê Văn Trung hiền, mượt mà”. Tôi cũng đọc thơ anh, phần lớn trên Bách Khoa nhưng chưa khi nào tìm được chất hiền, mượt mà trong đó, ngược lại, ẩn dấu đằng sau là những u uất bất tận, nhũng u uất nhuốm mầm, những u uất tròn bóng, những cảm hoài về quá khứ xa xôi, và tâm cảm dằn xé đến nát lòng. Thơ anh như kẻ cô đơn trong tận cùng nỗi đau, như con thú hoang trong cánh rừng già không bóng thú, muôn năm là kẻ lữ hành cô độc trong cõi nhân sinh, trong chốn tình yêu không lối thoát, luôn là những tìm kiếm trên những con đường đi hoài không đến, phía trước là là mây bụi mịt mờ xa, thấp thoáng phận người heo hắt!
Hơn nửa đời người, anh gom những bài thơ cũ mới trong suốt cuộc hành trình cô đơn để in thành tập. 62 bài thơ trong Cát bụi phận người (*) mỏng và gập ghềnh như cuộc đời anh có nhiều đoạn gãy khúc, xương xẩu từ căn hầm kín, từ những vòng xích, từ những tra vấn bổ xuống đòi như cơn lốc xoáy, khiến ngôn ngữ thơ, mỗi khi đọc, vang lên những tiếng nấc thầm.
Anh cũng như nhiều người viết văn, làm thơ khác… luôn ngẩn ngơ tự hỏi “mình là ai”, kiểu lật tung não cốt con người của các triết gia: Họ luôn tra hỏi chính mình, cái cách tra hỏi của Mounier, Camus, của Sartre, cái cách mà hầu hết trí thức miền Nam thời bấy giờ luôn tự vấn, tra khảo bản thân trước những nhiễu nhương cuộc sống.
Nói theo cách nói của Alain Robbe Grillet thì chức năng của nghệ thuật là mang đến cho thế giới những tra vấn và trả lời. Đó cũng chính là chức năng của những người viết văn làm thơ. Và trong suốt cuộc hành trình dằng dặc “tra khảo” đó, Lê Văn Trung đã nhận ra Hắn là ai?
Hắn là ai mà đau đáu một đời thơ
Dù em nhẫn tâm quên mất nẻo về
Hắn vẫn đứng nhìn dòng sông nước chảy
Giọt nước mắt rơi buồn em có thấy
Ta bỗng đau lòng nhận ra hắn là ai.
Chân dung hắn được vẽ ra liên tục: Hắn ngồi giũa đất trời cười ứa lệ; hắn xác xơ cùng số phận, hắn muộn phiền trăn trở mấy mươi năm; hắn héo khô xơ xác đời tằm; hắn quanh quẩn trong nhũng vòng tìm kiếm; hắn băng qua sa mạc cuộc đời mình v.v. và v.v. Chân dung hắn hơi kỳ khôi, nhung coi lại, trên đời này cũng lắm kẻ kỳ khôi đồng hành với hắn, bởi hắn luôn cứ đuổi theo những điều không thật, những cái thế gian cho là trật lất. Điều không thật để thế gian cho là trật lất kia chính là cái Đẹp mà chúng ta mãi kiếm tìm. Nó là hệ luỵ văn chương, hết thế hệ văn chương này qua thế hệ khác, mà chưa ai tìm ra nó hay tự hài lòng khi mới chỉ tìm thấy một phần từ những cảm nghiệm nhân sinh?
Nhưng đó cũng chỉ là cách nói hơi quá, kiểu nói tròn chữ tròn câu; chứ hình như, và thật ra là hắn tự hành xác mình khi một bên kia là Em như một cuộc trốn tìm, để cuối cùng hắn luôn nhận phần thua thiệt, may mà anh chưa thốt lên những lời chua chát, cay đắng như Nguyễn Tất Nhiên: “Nghe nói em vừa thi rớt Luật/ Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời/ Mắt công nương thầm khép mộng chân trời/ Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!/ (Dù sự thật cũng đáng đời em lắm/ Rớt đi Duyên rớt để thương người!) Ta – thằng ôm hận Tú Tài đôi/ Không biết tìm ai mà kể lể? (Duyên tình con gái Bắc).
Một bên, Em của Nguyễn Tất Nhiên có hình hài, có tên tuổi, địa chỉ, kiêu sa… Còn với Lê Văn Trung, Em là mẫu số chung của chàng thi sĩ nòi tình. Em khuất dạng biến lấp đâu đó. Em ở chân mây. Em ở cuối ghềnh. Em sau luỹ tre làng. Em xênh xang đường phố. Người tình thương nhớ trong mất mát không với chụp được của anh đưa đẩy qua lời thơ như những lời cam chịu được phô bày. Phơi bày để vơi đi nỗi buồn, u uất về mối tình lỡ, tình si?
Tôi tìm em đứt mòn hơi
Hai mươi năm dấu chân người mờ phai
Tìm em suốt cuộc tình dài
(…) còn gì sau cuộc phù vân
Lệ tình em ướt đẫm phần mộ tôi
(Phương trời hiu quạnh)
Từ nhận biết Hắn đến mãi mê tìm Em, loay hoay trong vòng xoay không lối ra cuối cùng chính là thân phận làm người:
Hắn đúng giữa một vòng tròn tưởng tượng
Bước chân ra sợ hụt giữa vô cùng
Hắn chăm chút ươm trồng mầm ảo vọng
Có điều gì hiện hữu giữa hư không
(Cát bụi phận người 1)
Những Em kia hoá ra chỉ là cái cớ cho cuộc kiếm tìm phận Tôi. Cái Tôi của anh nhọc nhằn giữa cuộc phù sinh là những tràng dài dấu hỏi. Hết hỏi chính mình đến hỏi đời, hỏi mãi những câu hỏi bẹp nát trí não:
Hai mươi năm mẹ chờ ai
Chiều nay mưa ướt vườn xưa mẹ già
(Mẹ chờ hai mươi năm)
Này ta hỡi tên lính già thất trận
Súng gươm đâu tơi tả cả hồn người?
(Say tỉnh cùng em)
Đi hoài, đi mãi, chạy lung tung, để cuối cùng hắn bắt gặp chính Hắn:
Tôi gặp hắn trong khu nhà vĩnh biệt
Đôi mắt trừng nhìn tận máu xương khô
Hắn không thể tin vào ngày sau hết
Sẽ thoát đi cho khỏi kiếp con người
(Cát bụi phận người 2)
Chấm hết Hắn. Chấm hết Em. Chấm hết thân phận con người.
Và cũng chấm hết mấy dòng ngắn ngủi với thơ Lê Văn Trung.
Nguyễn Lệ Uyên
Trang Sách Và Những Giấc
Mơ Bay, (Tập I)
(Thư Ấn Quán 2010)
(*) Lê Văn Trung – Cát
bụi phận người, nxb Văn Nghệ, SG 12.2006.
Tiểu sử tác giả
Lê văn Trung sinh năm 1947. Quê quán Quảng Nam. Hiện sinh sống tại vùng rừng
núi heo hút ở một xã nhỏ của tỉnh Đồng Nai
BÀI CUỒNG CA BUỒN BÃ
(Tặng Trần Hoài Thư,
Phạm Văn Nhàn,
Phạm Cao Hoàng, Phan Xuân Sinh)
Cái muỗi sao mày vo ve
mãi
Máu ta đây còn giọt cuối cùng
Cứ giả đui mù cho khỏi thấy
Xương thịt ta thôi cũng cam lòng
Đất nẻ gió khô mùa hạ
cháy
Bò trâu gặm đá trọc đồi trơ
Ta nuốt tình em cho quên đói
Dòng lệ khô bầm đôi mắt thơ
Thôi giận ta chi: mơ đại
cuộc
Thánh nhân lạc buổi nhiễu nhương này
Rát mặt mài gươm cơn gió thốc
Giáo gươm còn sao cụt chân tay
Thôi giận ta chi chiều
đã tận
Chờ nhau dẫu bỏ xác quê người
Sách vở bùng lên nguồn lửa hận
Tro tàn bay mù mịt đất trời
Thôi giận ta chi cơn bão
sử
Vận hạn đến hồi chung cuộc đây
Nơi đâu cũng nực mùi xú uế
Hãy cướp luôn đi giọt máu này
Dẫu chẳng cam làm tên
thất chí
Đêm dài đối mặt với tiền nhân
Sấm kinh đã hết hồi linh ứng
Đất trời đầy một lũ vô luân
Có kẻ ngang qua thành
quách cũ
Một màu hoang phế lạnh căm căm
Chẳng có nhang trầm xin xá tội
Đốt cành khô nhận chút thành tâm
Có kẻ lạc xiêu dăm buổi
chợ
Cuồng ngâm nỗi xót nhục suy tàn
Nghe trái tim còn thoi thóp đập
Như lời đòi đoạn của trăm năm
Có kẻ đêm nay làm khách
trọ
Huỳnh Dương ơi hỡi đất Huỳnh Dương
Ngửa mặt nhìn mông mông trời rộng
Ôi cố hương nào qui cố hương
Có kẻ đi quanh mồ tử sĩ
Đọc thấy tên mình trên mộ bia
Hỡi ơi những mất còn dâu biển
Chẳng lẽ đời ta lạc chốn này
Có kẻ giải buồn dăm chén
rượu
Ta nay một giọt đã đắng lòng
Người xưa “tam bôi thông đại đạo”
Mời nhau rượu đục tấm lòng trong
Có kẻ bỏ làng lên núi
thẳm
Khát uống nước suối đói rau rừng
Ta bỏ đời ta không chỗ trú
Không còn một dúm đất dung thân
Có kẻ nghêu ngao ngoài
góc phố
Khóc cười bất chợt, hỏi vì đâu
Ta bỗng dưng thành người thất thổ
Ngó lại đồi xưa mây bạc đầu
Có kẻ đêm ngày che kín
mắt
Sợ nhìn rõ mặt đứa vô lương
Ta muốn giam mình trong tịch cốc
Dối lòng chẳng bận gió muôn phương
Ma quỉ lộng hành đền
miếu đổ
Thánh thần xiêu lạc bãi gò hoang
Có kẻ đêm nay buồn dưới mộ
Đau từng giọt máu từng đốt xương
Đêm nay qua bến quạnh
sông mù
Lòng chạnh soi tình trăng hổ ngươi
Nhớ ai ta nhớ từng sợi tóc
Yêu người không giải nổi niềm đau
Đêm nay phơi áo bên
ghềnh đá
Nằm gối lên sương lạnh buốt lòng
Có kẻ muôn đời như khách lạ
Hoàng hạc bay rồi vô cố nhân
Năm tháng đã đành năm
tháng cũ
Nỗi sầu này giống nỗi sầu xưa?
Sương khói ngàn năm đau xé ruột
Đâu mái nhà xưa để nhớ nhà?
Thất tán mười phương
trôi lạc chợ
Sống chẳng ra ma chẳng giống người
Chẳng giống thì thôi thì đành vậy
Sao còn chua xót mãi không nguôi
Có kẻ vô tình nhen bếp
lửa
Tưởng chừng thiên hạ thức đêm nay
Tưởng chừng khi cùng đường mạt vận
Còn chút lòng nhau ở chốn này
Sống cũng thêm dăm ba
tuổi nữa
Chết thì dăm tuổi có hề chi
Chỉ sợ lòng ta không đủ chứa
Nỗi đau trùm xuống thế gian này
Chỉ sợ lòng ta em chẳng
rõ
Chút tình cố cựu chết bên sông
Ngồi tựa chân cầu con nước vỗ
Vào mạn đời ta buổi mịt mùng
Hỡi kẻ đã từng mang gươm
báu
Uống hộ chiều nay chén rượu này
Dẫu phải qua sông không trở lại
Ngửa mặt nhìn trời mây trắng bay.
Bâng Khuâng
Người về không? Không!
Người không về!
Nên mây buồn mây quên bay đi
Nên sương buồn sương run trên lá
Nên gió buồn, ôi gió cuồng si!
Người không về, đất
trời quên thu
Sao bốn mùa tình tôi heo may
Ai nhuộm cơn mơ vàng như lá
Không nỡ rơi vì thương nhớ ai
Người không về, chiều
quên hoàng hôn
Chiều cứ tan những sợi nắng vàng
Nắng quên nạm ngọc vào đôi mắt
Và lệ chiều ai lạnh mấy dòng
Người không về, tay
nuối bàn tay
Nhớ từng sợi tóc ướt trên vai
Nhớ như mây nhớ chiều không gió
Nhớ như lá nhớ màu thu phai
Người chưa về? Người
không về đâu!
Đường thu xưa rêu lạnh một màu
Dấu chân xưa nhớ bàn chân cũ
Bước vào tình nhau như chiêm bao.
BIỆT
Ta đi có lẽ không về nữa
Về làm chi quê quán mịt mùng
Mẹ cha chắc đã tan thành đất
Đất ở đâu cũng lạnh vô cùng
Đất ở đâu cũng màu luân lạc
Và nỗi buồn trải quạnh như sương
Ta đi có lẽ không về nữa
Về làm chi bến mịt sông mù
Em giờ chắc đã thành góa phụ
Xương trắng cồn hoang đêm chó tru
Hồn ai xiêu lạc đền rêu cũ
Cũng đành nén lệ khóc thiên thu
Ta đi là biệt đời nhau
nhé
Em có lên ngàn ngóng bốn phương
Đã biết trăm năm tình hóa đá
Thì mong chi giọt lệ tương phùng
Đã biết ta trăm đường muôn ngả
Không chốn nào là chốn dung thân
Thôi cứ xem như ta chẳng
về
Xem như đời chỉ tạm ngang qua
Thân là hạt bụi bay trong gió
Đậu xuống trần gian như giấc mơ
Đậu xuống lòng em như điềm gỡ
Nỗi đau truyền kiếp tự bao giờ
Thôi xem như chưa hề có nhau
Hai ta là hai cõi chiêm bao
Em và ta là hai chiếc lá
Chiếc rơi triền thấp chiếc đồi cao
Giông bão thổi tung ngàn số phận
Lạc nhau từ giấc mộng ban đầu
Về làm chi thôi về làm
chi
Thà cứ như người không bản quán
Không họ hàng không cả tông chi
Đời ở đâu cũng đời nhiều loạn
Ta ở đâu nào có hơn gì
Người ở đâu cũng người xa lạ
Thôi về chi rào chắn giậu che
Thôi về làm chi đừng hỏi
nữa
Gươm cuồng tay mỏi chí tàn suy
Đốt đuốc mà soi lòng nhân thế
Đất trời là một khối vô tri
Qua bao vong diệt cùng dâu bể
Trái tim người là nấm mộ đây
Đôi mắt đã mù khô cả lệ
Thì rót làm sao chén rượu đầy
Về làm chi về làm chi
hỡi
Ngươi phương mù áo rách tang thương
Ta nghe ngươi hát lời vinh Thánh
Mà buồn hơn khúc hát đoạn trường
Ta thấy ngươi ngồi ôm tượng Chúa
Mà như ôm cả thế gian buồn
Thôi về làm chi về làm
chi
Ngươi và ta hai kẻ sau cùng
Cứ đi cho hết vòng luân chuyển
Mà ngắm nhân gian đã loạn cuồng
Trái tim người chứa toàn sâu bọ
Rắn rít trườn lên cuôn chặt hồn
Ta đi có lẽ không về nữa
Gặp ngươi nơi góc biển chân trời
Tình như phù vân không hò hẹn
Lòng như sương khói chẳng buồn vui
Ta chỉ thương ngươi còn vọng tưởng
Một trần gian quá đổi ngậm ngùi
Ta chỉ thương ta còn ngất ngưỡng
Đi- về hai nẻo vẫn chưa nguôi.
BỎ LẠI ĐỜI QUÊN
(Viếng linh hồn thi sỹ Phạm Ngọc Lư)
Đành bỏ lại dỡ dang trần
gian mộng
Anh trở về tắm gội dưới trăng sao
Cõi vi diệu hồn anh bay lồng lộng
Trả lại tình trọn vẹn nghĩa thương đau
Các em hỡi! Những môi
ngà mắt ngọc
Vói bàn tay níu gọi cõi vô cùng
Xin hãy thắp nồng nàn dòng lệ biếc
Tiễn anh về vời vợi cõi trời không
Các em hỡi! Những lụa là
da thịt
Rướn bàn chân đốt ngọn nến bên trời
Xin tỏa hết sắc hương đời diễm tuyệt
Cho anh về sáng rực cõi rong chơi
Bỏ lại trần gian bỏ tình
bỏ bạn
Bỏ ai ngồi bên một góc đời quên
Và tôi nữa, sẽ một lần bỏ lại
Trái tim còn nguyên vẹn ở trong em.
No comments:
Post a Comment