Monday, January 13, 2020

Truyện ngắn: Không Chốn Dung Thân - Lê Nam Phương tức thi sĩ Lê Văn Trung

KHÔNG CHỐN DUNG THÂN

                 Truyện ngắn Lê Nam Phương
                           (Lê Văn Trung)


Đôi khi người sống không phải vì muốn sống. Người ta phải sống vì không thể chết được. Thế là phải sống. Cho dù sống chui sống nhủi, sống lăn sống lốc, sống trầy sống trụa, sống hụp lên lặn xuống, sống trôi sống nổi, sống cơ sống cực, sống lang thang lếch thếch. Và cứ phải căng hai con mắt ra mà nhìn cuộc đời, nhìn người và nhìn mình, nhìn thấy cái rách rưới tanh hôi, nhìn thấy cái bọt bèo rác rến, nhìn thấy cái lọc lừa xảo quyệt, nhìn thấy đình chùa miếu mảo đầy các ông sư bà vải, tấp nập thiện nam tín nữ xì xụp lạy xin cái lợi cái danh, nhìn thấy ông Chúa ông Phật được sơn son thếp vàng để chở che giùm lắm cái nổi cái chìm nằm trong cái bụng to hơn cái đầu, nhìn thấy phố xá đông vui phố phường tấp nập bên ngoài khu ổ chuột, và nhìn thấy các em cởi truồng đi ngang về dọc khắp chốn khắp nơi để minh chứng cho một xã hội công bằng dân chủ văn minh…và để nhìn thấy lắm kẻ không thể nuốt nổi một bữa điểm tâm trị giá gần cả trăm ngàn đồng bên cạnh những con người không mua nổi ổ bánh mì lót dạ để có sức đạp chiếc xích lô.


Dĩ nhiên là phải nhìn tất cả, bởi vì còn sống nhăn ra đấy cho dù không đủ cháo đủ rau để lấp đầy cái dạ dày, cho dù tấm vải rách không che đủ ấm cho xương da.  Không thể nhắm mắt bịt tai, nên phải thấy phải nghe.  



Nghe cuộc đời chảy lạo xạo trong đầu một dòng sông đục ngầu đầy xác người và xác súc vật, đầy cứt đáy bọ sâu…. Nghe cuộc đời chảy trong đầu những cơn bão tố thổi sập cả căn nhà đạo lý, thổi bay cả cột kèo chống đỡ bao ngàn năm, thổi bay cả tấm lòng con người, chỉ còn trơ lại đất đá gạch vụn ngổn ngang lúc nhúc một bầy cơ hội…


Muốn chết cũng không được, nên phải sống, và sống là phải nhìn phải nghe như thế, cho dù vào cái ngày đen tối nhất của lịch sử đời mình ông đã phải quyết định từ bỏ cái xã hội này mà vào sâu trong rừng.  



Sống với rừng với núi với khe với suối.  Sống với chim với chóc với cỏ cây.  Ông dắt díu vợ con, gánh gồng linh tinh nào áo rách quần vá, thau bể chậu hư, vào rừng.  Chỉ có rừng núi hoang vu.  Vợ ông dù không muốn vẫn phải nghe lời chồng.  Chị cam đành làm theo quyết định của chồng nhưng chị không khỏi ngậm ngùi mỗi lần nhìn mình trong gương. 



Người phụ nữ nhan sắc một thời nay đã đành bỏ lại quảng đời thanh xuân đằng sau bức mành lịch sử.  Đôi lúc một mình trong suối, chị trút bỏ hết quần áo, đầm mình trong dòng nước mát, chợt những rạo rực xưa cũ trở về làm xao xuyến trong lòng và làm hai bầu vú chị trắng như hoa quỳnh căng cứng lên.  Hai giọt nước mắt ứa ra trôi xuống như một số phận đã buông trôi.


Mấy đứa con chị còn quá nhỏ, chúng chẳng có một ý niệm gì về cuộc đổi thay.  Đối với chúng bỏ phố phường vào rừng chỉ là một cuộc dã ngoại, một chuyến du lịch vài ngày.  Chúng tha hồ đuổi theo những con bướm màu sặc sỡ, hái những chùm bông dại ngát hương.  Nhất là được lội trong suối, những con cá, những con cua đá, những viên cuội đủ màu.  Chúng luôn nằm mơ những cảnh thần tiên và chúng cười vang trong mơ.


Ông thì luôn im lặng.  Một mình lầm lũi chặt cây cắt tranh. Một tháng tránh mưa tránh nắng trong mấy tấm bạt, giờ thì cả nhà đã có một cái lều sàn nho nhỏ. Và đêm, ánh lửa chập chờn, than củi nổ tí tách, cả nhà ngồi quanh một nồi khoai mì, một rổ rau rừng, một bát nước muối.  Đói, cái gì ăn cũng ngon.  Lũ trẻ ăn no lăn ra trên sạp tre ngủ, mơ thấy suối lớn thành sông, thấy chiếc thuyền lá thành chiếc thuyền nan, cứ thế chúng đi vào giấc ngủ say, đưa cái lưng trần cháy nắng cho muỗi đốt.


Hai vợ chồng ngồi nhìn nhau, thở dài, rồi nhìn ra bầu trời rừng đêm, nghe gió lao xao, tiếng lá rụng và tiếng côn trùng nỉ non.


Ông tin rằng mình sẽ sống được.  Núi rừng sẽ không phụ ông đâu.  Cứ chỗ nào có một khoảng đất trống là ông trồng mì, trồng khoai….Ông về dưới chợ cũ mua hạt bí hạt bầu. Chắc chắn sẽ sống được. Không có gì phải âu lo.  Lo là lo cho lũ nhỏ không kiếm đâu ra mấy chữ để biết thế nào là con người.  Chắc ông phải vừa làm bố vừa làm thầy.  Nhìn vai trò thầy giáo lúc này ông cũng buồn.


Ông đã từng chứng kiến lũ học trò đánh Thầy.  Ông cảm thấy bị xúc phạm và đau lòng, cho dù suy cho cùng người thầy giáo bây giờ không còn đứng cái vị trí bao nhiêu năm về trước. Phần đông họ đến lớp không phải vì tương lai của lũ trẻ, họ đi dạy dù chỉ nhận mấy đồng lương chết đói, còn hơn bán mặt cho đất bán lưng cho trời ngoài đồng ruộng, chỉ để được trả cho mấy cân thóc lép không đủ nghiền ra nấu cháo.  Ông biết họ cũng cảm thấy hổ thẹn.  Nhưng họ không làm khác được. Thôi thì dù có buồn cũng đừng trách họ làm chi.


Ông ngồi im lặng nghĩ lan man đủ thứ chuyện.  Ngày mai phải đi chặt mấy cái măng tre rừng mà chiều qua ông đã để ý thấy, đem xuống chợ cũng đổi được mấy chai nước tương. 



Lòng buồn rười rượi nhưng ông vẫn mỉm cười. Chị nhìn ông thấy lạ hỏi:

-        Có gì thích trong bụng mà cười vậy?

Ông không trả lời, chỉ nhìn chị.  Lửa nóng làm mặt chị đỏ ửng lên và đôi mắt long lanh. Chị sà đến bên ông, nắm tay anh đặt lên bầu vú đang căng dưới lớp vải mỏng, rồi kéo ông ngã xuống sàn.  Ông nói nhỏ:

-        Nhè nhẹ, lũ nhóc dậy bây giờ.


                                             * * *


Tưởng chừng cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, cho dù phải vật lộn với bao nổi gian nan vất vả, sên vắt muỗi rừng, gió chướng mưa ngàn, trầy vi tróc vải mới có được củ khoai củ mì, bụi chuối luống rau.  Cho dù phải đôi khi ngậm ngùi nhìn quảng đời đã qua, bước cuộc đời trước mặt, lại muốn nhảy từ trên vực cao.


Nhưng chết để được gì?  Dĩ nhiên sống cũng chẳng làm gì, nhưng ai mà không hy vọng.  Nuôi chút hy vọng mong manh nhưng vẫn là hy vọng.  Và vẫn còn hy vọng thì cớ gì phải chết!  Cho nên con người sống, sống vì biết bao cái tưởng chừng. Và tưởng chừng đã về với núi rừng hoang vắng để tránh xa cái thế giới mà ông cảm thấy ói mửa, kinh hoàng và lo sợ. Tưởng chừng!


Rồi một hôm ông thấy, không biết từ đâu tới từng nhóm người, cũng nhếch nhác rách rưới như ông ngày nào, cũng gánh gồng nào nồi niêu soong chảo, trẻ có già có, nheo nheo nhóc nhóc, chó gà heo qué lào xào lục xục kéo về dưới khu rừng, chặt tre chặt gỗ dựng lều, mỗi ngày một nhóm mang theo cái ồn ào hổ lốn từ phương nào tới. Lại lọt vào tai ông tiếng chửi thề văng tục, tiếng hát eo éo phát ra suốt ngày từ những chiếc máy transistor họ mang theo. Khu rừng trở nên ồn ả.


Ông nhìn cơ ngơi mình vừa đổ mồ hôi dựng nên, chẳng lẻ lại đi nữa. Tiến sâu vào rừng hay lên tận những rẻo cao.  Ông mong rằng họ, những người không mời mà đến ấy, cũng như ông, không hít nổi cái khí độc của nền văn minh suy đồi, không hít thở nổi cái hơi hám giả dối tanh hôi của cả một hệ thống quyền lực đè lên lớp dân đen chưa kịp thoát ra khỏi các thế lực phong kiến thực dân.


Nhưng ông thất vọng. Họ chẳng có gì giống ông.  Họ bỏ quê hương bản làng vào đây chỉ vì cái bao tử. Họ hàng đoàn lủ lượt ra đi vì đói, vì rách.  Mảnh đất ít ỏi nơi họ ở không đủ nuôi sống họ, không đủ thỏa mãn những nhu cầu càng ngày càng nhiều của một đời sống duy vật chất. Họ không quan tâm tới lịch sử, không màn đến báo chí sách vở. Nhân quyền nhân phẩm không đáng quan tâm. Họ đến đây vì cái bao tử nên họ bỏ lại đằng sau lưng những nhu cầu khác.

Họ tự phương nào tới?
Ông tự phương nào tới?
Vì đâu?
Nhà cửa quê hương bản làng họ thế nào?
Còn ông?
Vì sao lại bỏ đi?
Đất nước này của ai?
Quê hương là chốn nào?
Từ đường hương hỏa còn không?
Ai là người thờ phụng tổ tiên?

Thôi hỏi để làm gì! Trả lời để làm gì! Tất cả chỉ còn là cuộc rượt đuổi, cuộc chạy trốn.  Kẻ thù ta và anh em ta.  Chạy trốn anh em và chạy trốn luôn bản thân mình. Cuộc trốn chạy tưởng chừng không dứt mà con đường trước mặt thì hình như đã nghẽn lối.

Ông đang đi về cái thời khắc giờ thứ hai mươi lăm.


                                          * * *


Những cư dân mới đến đã khuấy động cái yên tĩnh của núi rừng.  Tiếng đốn gỗ chặt tre, cây cối ngã ào ào.  Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng trẻ con la khóc ầm ỉ lẫn trong tiếng gà lợn. Khu rừng bỗng chốc trống hoác để lộ một khoảng trời cao mây mù đọng từng khối đục bay nặng nề.

Ông nhìn vào cái khối mây đùng đục nặng nề đó như nhìn vào cái địa ngục tối đen, nơi đó ông từng ngày đêm vật lộn với ma quỷ. Ông nói với chị:

-        Chắc ta phải vào sâu trong rừng nữa mẹ nó ạ. Tôi không thể căng tai ra mà nghe tiếng tru tréo của mấy cái loa phóng thanh và cũng không chịu nổi cái đám người hổn tạp này nữa.

Chị âu sầu nhìn ông:

-        Không đi đâu mà thoát được.  Ông định biến mấy đứa nhỏ thành người rừng cả sao?

-        Thành người rừng thì đã sao nào?


Ông nghĩ, con người sẽ trở về cái thuở nguyên sơ ban đầu, dĩ nhiên là không phải ăn lông ở lổ, nhưng là gần gũi với thiên nhiên, con người sống trong lòng thiên nhiên, không làm vẫn đục bầu trời, không đốt sạch núi rừng, không vét cạn kiệt mầm sống của thiên nhiên. Bởi thế mà từ khi vào đây, dù thiếu thốn trăm bề, ông vẫn dành dụm từng đồng để mua từng cây thông con, cọc cạch chở trên chiếc xe đạp cà tang, ì ạch đẩy lên đồi qua những con đường mòn đất đỏ lầy lội trơn nhẫy.  Mua từng cây.  Trồng từng cây. Chăm bón từng cây. Da ông thì xanh xao vàng vọt.  Da chị thì bạc thếch.  Da mấy đứa nhỏ thì vàng óng. Tóc ông đã lốm đốm bạc.  Chị thường trùm khăn kín đầu vì mấy cọng tóc oan nghiệt cứ trắng dần ra. Nhưng ngọn đồi thì xanh thắm. 



Thông càng xanh thì nỗi lo của ông càng lớn.  Đã lắm phen phải đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ đồi thông, sứt đầu vỡ trán, có lần phải nằm cấp cứu.  Một mình ông trồng nhưng có lắm kẻ đến đốn phá.  Và cái biệt danh “lão già điên trồng rừng” đã đến với ông lúc nào không biết. Ngoài vài anh nhà báo ở tận xứ mặt trời mọc đến thăm anh và làm vài cái phóng sự về ông với sự quý trọng ông là một nhà trí thức, một nhà văn, và hơn nữa là thái độ ông trước lịch sử, còn có vài đài truyền hình địa phương đến làm phóng sự tôn vinh ông là một người có công trong việc trồng cây gây rừng!  Họ chả cần quan tâm ông là ai, đơn giản là một lão nông dân trồng rừng, đối với họ, cái tri thức, cái chức năng văn học của ông là đồ bỏ, là mối hiểm nguy.  Nhưng ông chả quan tâm.  Việc ông, ông cứ làm, và ông viết rất hăng say.  Có điều, tất cả những gì ông viết ra cho hết vào một cái ba lô nhà binh, đi đâu cũng mang theo, bất khả ly thân.  Chẳng ai đọc được. Không phổ biến ở bất cứ đâu. Không biết trước khi từ giã cõi đời này, ông có cho công bố những tác phẩm của ông không.


                                            * * *


Thôi thì ở không được, phải đi.  Trời sinh ông ra ban cho ông cái tính khó hòa nhập với thế giới mà ông cảm thấy xa lạ lạc loài, thậm chí ông còn cảm thấy cái thế giới đó quá cay độc. Ông không chấp nhận, và cũng chẳng được chấp nhận.


Một buổi sớm, sương còn nặng hạt, khí đã lạnh buốt da, ánh sáng vẫn xóa được cái âm u của núi rừng. Một mo cơm độn, một bi đông nước, một cái rựa, ông vào rừng, quyết tâm đi tìm một mảnh đất dung thân, chạy trốn cái thế giới đã đuổi mãi sau lưng ông, chạy trốn cái không khí nồng nặc của thời đại, chạy trốn lòng thù hận mù quáng và tình yêu giả tạo… Ôi không biết bao cái, theo ông, không chịu đựng nổi, đang từng giây từng phút làm ung vữa trí óc.

Co ro trong manh áo không đủ ấm, chị đứng nhìn theo bóng ông nghiêng ngả trong sương lạnh. Chị nói vói theo cái bóng ông đã dần khuất dưới bóng rừng:

-        Ông đi cẩn thận, nhớ về sớm, đừng để tối quá lạc trong núi.

Hình như ông cũng không nghe.  Chị lâm râm cầu nguyện.

Tiếng gà rừng lẻ loi đâu đó vẳng tới, tiếng chó sủa vu vơ nơi xóm những người mới đến. Người đàn bà một thời hương sắc chợt thấy lòng mang mang một nỗi hoài nhớ xa xôi. 



Chị nhớ đến ngôi biệt thự nho nhỏ xinh xắn nằm dưới những tàng cây im bóng trong khuôn viên trường Nông Lâm Súc ở một thị trấn cao nguyên bốn mùa xanh thắm, những triền hoa dã quỳ vàng tận những dòng suối trong vắt. Chị, người con gái bấy giờ, như một đóa hồng rực lửa giữa một thảm hoa vàng và tình yêu như ánh mặt trời hừng hực thiêu đốt da thịt làm bật ra những âm thanh vừa rộn rã vừa lắng buồn.


Cơn mơ màng chợt tắt khi mấy đứa nhỏ thức dậy gọi mẹ.  Chị trở vào lều và tới bếp đun thêm mấy que củi, chuẩn bị bữa ăn sáng cho con.


Bên xóm xa, đã nghe tiếng người gọi nhau í ới, tiếng máy hát khẹt khè và tiếng loa phóng thanh thông báo quyết định thành lập đơn vị hành chánh mới, chưa có tên chính xác, cứ tạm gọi là Xóm Mới.  Chị thở dài đánh thượt một cái:


-        Không biết rồi có yên ổn không.


Cũng chẳng hiểu cái nghĩa “yên ổn” của chị là sao nhưng rõ ràng là chị nghĩ thế nào cũng có một cuộc bỏ chạy nữa, bởi chị biết quá rõ tính khí của chồng.  Đôi lúc chị nghĩ thôi thì cứ sống đại chỗ nào cũng được, cứ che mắt bịt tai mà sống.  Cuộc đời ngắn ngủi quá mà cứ chạy mãi thế này thì làm sao gầy dựng được chút gì cho lũ nhỏ. Thằng Tí Anh mười tuổi rồi mà lỏm bỏm không hết hai mươi bốn chữ cái, còn Tí Em thì suốt ngày chỉ đọc được mỗi chữ “đờ-đờ-i-đi”.  Chắc chắn nó chẳng có ý niệm gì về việc đi hay ở, nhưng với chị, chỉ mỗi cái chữ “đi” mà thằng nhỏ bập bẹ suốt ngày đó như một điềm báo chẳng khi nào dừng chân được.


Ba mẹ con đang ngồi nhai mấy củ khoai thì một người đàn ông lạ xuất hiện đột ngột như một bóng ma ngay tấm liếp che mưa tạt trước lều. Không đợi mời, hắn bước xộc vào nhà, hắn hỏi:

-        Ông già người rừng đâu rồi?

Chị ngơ ngác (?)

-        Ông chồng chị đó, đâu rồi?

-        Ừ, ổng vào núi rồi.  Nhưng anh hỏi ổng có chuyện gì không?

Hắn chìa ra trước mặt chị một tờ giấy lắm lem bùn đất và ướt nước mưa:

-        Đây, có tấm giấy gọi ổng, mai 8 giờ về dưới xã trình diện.

Không biết lành dữ ra sao, chị nghe mấy từ “có giấy gọi” là chị đã run rẩy tay chân rồi, bởi sống trong cái thời buổi mà muôn vàn đố kỵ, hoài nghi bao phủ như mây đen xuống từng số phận con người ở xứ sở này, khiến ai cũng thấp thỏm lo âu không biết giờ nào bất chợt tai ương ập đến.


Hắn đưa mảnh giấy cho chị rồi quày quả bước ra cũng nhanh như khi hắn bước vào, thoáng cái hắn đã khuất xa nơi lối mòn cây cối rậm rạp.


Chị cầm mảnh giấy trên tay thẩn thờ nhìn hai đứa con đang ngồi im lặng bên rổ khoai luộc.


                                          * * *



Mặt trời chưa khuất núi mà bóng rừng đã âm u như thể chút ánh sáng vàng vọt sau cùng của mặt trời không đủ sức giằng co với bóng chiều đang phủ xuống. Cảnh vật trở nên thê lương vì cái lạnh buốt của núi rừng.

Cả ngày cứ vào ra thơ thẩn với tấm giấy chị cẩn thận nhét vào lưng quần, chị có cảm tưởng như mình đang mang cái tai họa mà chẳng dám vứt bỏ nó đi.  Phần thì cứ nao nao lo cho ông, không biết ông đi những đâu mà giờ này chẳng thấy tăm hơi.


Chị hết đứng lại ngồi, mắt dán chặt vào con đường mòn dẫn vào rừng sâu, gió lay động cành cây xa xa cũng làm chị thót người chồm về phía trước, tiếng động rất nhẹ của những cành cây khô bị gãy cũng làm chị tưởng bước chân ông.


Nhưng màn đêm cứ dần dần buông xuống, nhẹ nhàng, thầm lặng và u uất như chẳng để cho bất cứ ai, bất cứ hiện tượng gì, bất cứ quyền phép gì có thể xua đuổi được bóng tối, như thể bây giờ và mãi mãi nghìn sau, đêm tối sẽ chế ngự thế gian này.


Và cái đêm tối đó, không phải cho đến giờ phút này, mà đã từ bao năm nay đã vây chụp xuống đời ông rồi.


Đêm cứ dằng dặc trôi qua, lòng chị nặng nề chùng xuống như chìm lắng tận đáy cơn giông bão.  Chị không tin đấng thiêng liêng nào có thể ban ơn lành, nhưng chị cứ lâm râm cầu nguyện rồi chìm vào giấc mê mộng mị.  Chị thấy ông thất thểu trở về máu me đầy người, máu chảy xuống từng dòng trên lối ông đi, chị ôm choàng lấy ông và những giọt máu sau cùng trong ông lấp đầy hai hốc mắt chị làm chị ú ớ thét vang và bừng tỉnh rã rượi.


Bên ngoài vẫn một màu đen của đêm thâu.


                                           * * *


Sáng hôm sau ông vẫn chưa trở về.  Chị bắt đầu nghĩ tới những tai ương đổ xuống đời ông sẽ kéo theo những hoạn nạn đời chị, đời hai đứa nhỏ.  Chị nhớ đến cơn mộng dữ đêm qua. Chắc chắn đó là một điềm báo chẳng lành. Nhìn hai đứa con ôm nhau ngủ say, không nén được nỗi đau ùa đến xé lòng, hai dòng nước mắt chị ứa ra quặn thắt.  Tưởng cứ lâm râm cầu nguyện là ông sẽ trở về, cho dù trở về thương tích đầy mình, nhưng còn được trở về là may mắn lắm rồi.


Nhưng lời cầu nguyện có lẽ chưa được chấp nhận, vì cho đến giờ này, quá nửa ngày trôi qua rồi mà trời đất thì đang đe dọa một cơn giông bão sắp tới.  Chỉ mới quá trưa mà trời đã tối sầm lại, mây đen nặng như chì phủ thấp xuống khu rừng, gió bắt đầu dập từng hồi, cây cối ngả nghiêng, mái lều bị giật từng cơn run rẫy,  Trời ầm ầm giông, sấm chớp xẹt lửa ngang dọc.  Chị hét hai đứa nhỏ:

-        Ngồi im trên giường, đừng có mà chạy lung tung.


Hai đứa nhỏ chẳng nghe được mẹ nói gì, nhưng mặt mày đứa nào cũng tái xanh, ngồi ôm nhau co ro một góc giường.


Hình như gió không phải từ một hướng, những luồn gió giao nhau giận dữ tạo nên những vòng xoáy sát mặt đất rồi bốc cao lên, cây cối hay bất cứ cái gì nằm trong tâm xoáy đó đều bị nhổ tung, bốc lên cao rồi đổ nhào xuống.  Căn lều như nhờ một phép lạ dẫu đu đưa lắt lư nhưng chưa bị nhổ đi.  Cả một đồi thông nằm chổng chơ nghiêng ngả trông thảm hại.


Rồi nước từ trời cao ào ào đổ xuống, không thể gọi đó là cơn mưa, đó là thác nước từ trời, nước từ một cái biển bao la treo trên cao tràn xuống, không biết cơ man đâu là nước.  Nước chảy thành suối, nước chảy thành sông, không thấy đâu là bờ bến. Và bây giờ là biển nước mênh mông đục ngầu dập duềnh cây gỗ rác rều… Nước tràn vào lều.  Nước dâng ngập giường, mùng mền, áo quần, nồi niêu nổi bập bềnh.  Chị một tay bồng thằng Tí Em, trên lưng cõng thằng Tí Anh, đứng trên giường.  Nước vẫn dâng lên dù cơn mưa hình như có giảm.  Nước vẫn ầm ầm đổ về.  Càng lúc càng dữ dội.  Nhấn chìm tất cả.


Hình như không còn khóc được, chị ngước mắt nhìn lên cao.  Có gì ở trên cao đó không?


Đột nhiên cả một bờ núi đổ nhào xuống, đất đá cây cối đổ nhào theo với đà sụt lở dữ dội, trong chốc lát, hình như căn lều đã biến mất, và cả cái Xóm Mới cũng vùi sâu dưới lớp đất đá. Và dĩ nhiên chỉ còn trông thấy một vài cành thông cố vươn lên hụt hẩng giữa cái hoang tàn ghê rợn của cuộc tàn phá kinh hoàng.


                                        * * *


Có lẽ, nếu người đàn ông đã chết trong rừng thì mãi mãi muôn đời sau không ai biết dưới khu rừng này đã từng có một cái xóm mang tên Xóm Mới.


Ông thất lạc trong rừng hai ngày, ăn lá cây, uống nước suối đục ngầu, đêm co ro trong hốc đá.  Hai ngày trôi qua với cơn bão quét kinh hoàng, ông tưởng mình sẽ chết.  Tuy nhiên ông vẫn hy vọng vợ con bình yên.


Ngày hôm sau trở về, không tin mình đúng hướng, không tin mình về đúng cái nơi mình vừa từ đó ra đi cách mới có hai ngày.  Vừa ra khỏi núi, một quang cảnh lạ lùng trước mặt, cả một vùng đất đá và nước đỏ ngầu mênh mông, chẳng còn nhận ra chỗ nào.  Oái oăm thay, ông không thấy ghê rợn trước sức tàn phá hủy diệt của đất trời mà ông thấy trước mặt mình một cảnh rực ngời hùng tráng của cái chết.


Chẳng còn nhận ra chỗ nào.
Ông nghĩ mình đã nhầm.
Ông mong mình đã nhầm.
Nhưng ông đâu có nhầm, phải không?
À, thì ra ông trời cũng không để cho ông còn một chốn để dung thân.


VN, 1980
Lê Nam Phương (thi sĩ Lê Văn Trung)

No comments:

Post a Comment

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...