Tuesday, January 14, 2020

Bình thơ: Trời Thu Lê Văn Trung - Tô Thẩm Huy

TRỜI THU  LÊ VĂN TRUNG
                                      
-TÔ THẨM HUY-


https://vandoanviet.wordpress.com/2018/01/16/troi-thu-le-van-trung/
Trời thu của người thi sĩ tài hoa, đa tình ấy không có ở trần gian.  Nó ở cõi nào trong 36 cung trời chư thiên tịnh độ, nào ai biết. Trên các cung trời Đao Lợi, Đâu Suất ấy, nơi mà chim, nước, cỏ cây, cảnh vật có là ngọc báu đẹp đẽ, nơi các chư thiên chỉ mới nắm tay nhau đã hỷ lạc tột cùng, e rằng có lẽ cũng chẳng xinh tươi, hứng thú hơn cõi trời thu của Đệ Nhất tài tử, thi nhân Lê Văn Trung.

Xin mời đọc thử trước mấy câu:

Nắng cứ thắp cho vàng lời thơ lụa
Cho vàng lời tình ái của trăm năm
Hoa sẽ thắm và môi tình thắm ngọt
Lá sẽ đùa trên mắt biếc long lanh

Môi và mắt và da ngời tỏa ngọc
Tóc và mây và gió dậy hương nồng
Cho tôi uống vẹn dòng tinh khôi ấy
Tôi ôm ghì khát vọng đóa nguyên xuân

Hay là:


Em về? Hay bóng mùa sương cũ
Trắng ngợp vườn xanh trắng diệu kỳ
Em về? Hay nắng hồng đang nở
Hay rừng ảo mộng chập chờn bay

Hay những mùa thu rất dị thường
Hay là mầu nhiệm của thanh xuân


Bạn hẳn đã thấy mê hồn, muốn vào chơi cung trời ấy chứ? Thật là một nơi tràn đầy nguồn mạch ân tình của thiên nhiên đất trời, của trái tim mở rộng chan hòa ân ái.  Nơi mà đêm vàng cái màu vàng của trăng rằm, và trời đất thì mang mang khoác tà áo trăng tinh trắng đến vô cùng. Nơi mà em đang lùa về trong gió mùi hương của một mùa nào tóc lộng bay, của buổi nào da thịt đang nở cùng thơ giữa đêm nguyệt rằm hôm ấy.

Hình như rượu thơm mùi nhớ thương
Màu đêm vàng như màu trăng rằm
Em có về không mà trong gió
Tóc của mùa trăng tỏa ngát hương

Em bước về đâu mà áo trăng
Mang mang trời đất trắng vô cùng
Hay da thịt của nghìn cơn mộng
Đã nở cùng thơ buổi nguyệt rằm

Ông Hàn Mặc Tử chơi giữa mùa trăng mà say đắm đến đau đớn. Ắt là phải mời ông ấy một buổi nào ghé thăm cái cõi trời thu êm đềm du dương này, hẳn là ông sẽ cao hứng mà viết thêm cho dăm bài thơ ảo diệu:

Cho tôi hoa đền ngự
Cho tôi lòng ni cô
Xuân trên má nường thơ
Ngon như tình mới cắn

Kìa, cõi trời ấy nó đang vang vọng nỗi niềm xao xuyến, khẩn khoản lời mời mọc yêu thương tha thiết.

Không biết rằm chưa hay mười ba
Không biết màu trăng hay màu hoa
Tôi đang mơ giấc chiều xanh biếc
Tình như tương tư tình hôm qua

Tình như tương tư tình hôm qua?  Có nghĩa là mối tình hôm nay đang tương tư, thương nhớ khối tình hôm qua, và khối tình hôm qua lại dạt dào quyến luyến khối tình hôm kia, rồi cứ thế mà trùng điệp rủ nhau khoác áo về thăm khối tình trăm năm cũ.

Em hỡi hồn tôi như áo xuân
Áo là da thịt gái thanh tân
Em ơi khoác nhẹ hồn tôi nhé
Cho tình duyên trọn với trăm năm

Nơi cõi trời ấy, tác giả Thu Hoang Đường đang hết mình chịu chơi mà đem cả trái tim rạo rực dâng hiến đất trời:
Tôi đang thở với đất trời
Giữa bao la giữa cuộc đời mênh mông
Tôi đang soãi cánh vô cùng
Với mây ngũ sắc chập chùng ngàn phương
Tôi đang tan vào mưa sương
Và đang say giữa rừng hương sắc người
Tôi đang uống giọt tình vui
Từ trong mắt lệ rực ngời lửa thiêng

Hãy đi cho đến vô cùng
Đi cho tận cõi thủy chung nhiệm mầu.

Thật là vui thay! Hào hứng thay!

Nhưng ông Lê Văn Trung ơi, cái thế giới của ông đang đẹp say đắm dường thế, cớ sao bỗng dưng ông lại hiu hắt buồn như tiếng thở dài?
Ai gửi heo may về tháng tám
Góc đời hiu quạnh một mình ta
Gió vẫn vi vu sầu tận tận
Sương người lớp lớp cõi mù xa.

Tháng tám buồn như một nỗi buồn
Ai ngồi thương nhớ một dòng sông
Tôi đem thơ ướp vào da lụa
Cho chùng cho lặng một mùi hương

Hẳn là vì một tiếng hú từ thiên cổ vọng về chăng?

Cứ ngỡ rằng thu, thu đã về
Đâu ngỡ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga.

Hay là ông đã nghe thấy gì trong tiếng đêm thì thầm:
Nắng của chiều vàng hơn nắng mai
Tóc của người mềm hơn sương phai
Có đôi chim ngủ hoài trong lá
Không hiểu gì đâu cứ thở dài.

Tôi nghe đêm thở từ xa vắng
Tôi nghe chiều đi từ mênh mông
Tôi nghe trong gió lời thao thiết
Hiu hắt buồn như tiếng thở dài.

Tôi cũng đã bao năm nghe thấy, mà không hiểu gì đâu đôi chim cứ thở dài.  Tưởng là có thể hỏi ông, nay ông lại báo cũng hiểu gì đâu, thì để tôi đi hỏi ông Hàn Mặc Tử, hay ông Phạm Văn Nhàn bạn ông, xem các ông ấy bảo sao.


Lại xin mời đọc mấy vần thơ khác.  Tiếng thơ Lê văn Trung có lúc ngân lên một âm điệu lạ lẫm êm đềm. Ông có những câu thơ mà thường thì người ta ở những chỗ ấy hay trỗi giọng lên thanh trắc, nhưng ông thì ông cứ để nó lãng đãng, lửng lơ thanh bằng, như mơ hồ, như chiêm bao, như là mọi việc trên đời đều hình như, đều chẳng có gì chắc chắn, như là ở một cõi hoang đường không có thực.  Như là trong bài Phục Sinh Thơ ông mới viết cách đây mấy tháng:

Hình như chuông ngân hồi chuông chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Tiếng ai như thể lời kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao

Sài gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em vạt nắng vàng câu thơ.
Hình như đâu đây là lời kinh nguyện, hình như là chuông đang ngân, hình như là trăng sao đang thao thức lời tình tự.  Có lẽ những cái hình như ấy lại thật hơn là cái có thật.  Hình như thế.


Tôi xin làm hạt lệ
Trên môi tình đang hương
Đừng lau hồn tôi nhé
Hồn lụa mềm như sương

Tôi xin làm hạt lệ
Lăn mặn bờ môi người
Em giam cầm tôi nhé
Trong ngực tình tinh khôi.

Hình như tôi nghe thấy có tiếng người con gái đang nức nở nghẹn ngào những giọt lệ hạnh phúc, mà rụt rè, rạo rực nâng niu, không dám lau giọt lệ đang đọng trên môi.  Hình như tôi nghe thấy tiếng ngực ai đang dập dồn, xao xuyến.  Hình như thế.
Em dẫu quên dẫu nhớ cũng đành
Thơ như dòng lệ mãi còn xanh
Mai kia góc biển chân trời lạ
Có xót xa thơ giạt cuối ghềnh.

Chao ôi, thơ đã giạt đến cuối ghềnh, thì xin ơn người ban dấu thánh, cho máu thiên thu thôi chảy mãi giọt sầu.

Xin hãy vì thơ làm dấu Thánh
Ơn người, nguyên vẹn giấc chiêm bao
Em sẽ thấy màu thơ rướm máu
Thiên thu chảy mãi giọt thơ sầu.

Ôi thi sĩ, ngươi một đời vật lộn cam go, chống lại bầy quỷ dữ ẩn nắp trong tâm hồn ngươi, một đời ngươi miệt mài bước trên sợi dây căng giữa hai bờ vực tìm về cái đẹp, dành lại tự do, giữ lấy cái thiện, cái tinh anh, trong sáng cho người, mà không một đòi hỏi đền ơn, không một lời than thở, ưu phiền.  Một đời ngươi không màng làm gì khác, cam lòng rơm rạ, cỏ cây, để cứu rỗi thân phận con người.
Nếu phải vác một nghìn cây thập giá
Nếu phải ngàn lần lên đồi Golghota
Ôi thi sỹ ngươi chỉ là rơm rạ
Ngươi chỉ là giọt lệ nở thành hoa

Nếu phải sống trong vòng tay quỷ dữ
Nếu phải chìm trong giấc mộng yêu ma
Ôi thi sỹ ngươi chỉ là cây cỏ
Hãy xanh vì hạnh phúc quá bao la.

Giọt lệ sẽ nở thành hoa! Như ngày nào hoa đã nở trên ngọn đồi Golghota, nở trong khu vườn đá tảng.  Còn lại gì chăng? Chỉ còn thơ, vĩnh cửu một hồn thơ.

Chúa chẳng thể!
Ta cũng đành không thể
Ngăn dòng sông mà không vỡ đôi bờ
Chúa không thể!
Dù ơn người
Tận thế
Chỉ còn thơ, vĩnh cửu một hồn thơ

Vườn đá tảng! Ôi thơ vườn đá tảng
Một ngày kia thơ hóa thạch trong mồ
Em dẫu đến, dẫu đi, dù quên lãng
Một ngàn năm thơ vẫn sáng như thơ.
Anh Lê Văn Trung ơi, anh đã phong thánh cho thi sĩ.  Một ngày kia ngàn năm sẽ qua, ngày ấy dẫu thơ đã hóa thạch trong mồ, nhưng thơ vẫn sáng như thơ.  Dẫu ngàn năm, thơ anh vẫn sáng soi trên phận người thiết tha, say đắm. Ngàn năm nữa, trời thu ấy vẫn là trời thu Lê Văn Trung, miệt mài gọi hoang đường về sưởi ấm cõi sa mạc trần gian lạnh lẽo của chúng ta.

THU HOANG ĐƯỜNG.  Có lẽ trời thu ấy không có thật. Hình như thế.  Hình như không thế.

Tô Thẩm Huy,

Houston, Cuối Thu Đinh Dậu 2017

No comments:

Post a Comment

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...