NGUYỄN ÂU HỒNG-
HAI NHÀ THƠ HỌ LÊ VÀ BOB DYLAN
HAI NHÀ THƠ HỌ LÊ VÀ BOB DYLAN
Hai nhà thơ họ Lê đây là Lê Văn Trung và Lê Phương Nguyên. Một ông, Lê Văn Trung, uống sương như trăng, uống trăng như rượu.
Ta đang say ngất rượu trăng vàng
Một ông, Lê Phương Nguyên, thiếu trăng, nhớ trăng
Đêm nao thoáng thấy trăng rằm
Qua nhanh như sợ ai cầm lấy tay…
Mới lướt qua tưởng hai ông ở “hai đầu xa cách”, chừng đọc kỹ mới hay hai nhà thơ họ LÊ này có nhiều điểm gặp nhau, rất tâm đắc nữa là khác.
Ôi tôi biết làm sao mà vẽ được
Một màu mây trong mắt đẫm sương chiều
(Lê Văn Trung)
Có vì sao ở thật xa
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân
(Lê Phương Nguyên)
Ông kia, Bob Dylan, không có màu mắt không có trăng rằm nên cứ mặc cho Gió cuốn đi (Blowing In The Wind) Như Hòn Đá Lăn Vô Định (Like a Rolling Stone) hoặc nương theo tiếng trống Tambourine mà dấn thân. Tôi sẵn sàng để úa tàn (I’m ready for to fade). Tại sao tôi chọn hai bài thơ họ Lê và Bob Dylan?
Tại sao anh chọn em
Nào anh có chọn
Em là mặt biển xanh chờ đó, xưa kia anh sống trên rừng
Giữa bầy bộ lạc phiêu lưu
(Thơ Thanh Tâm Tuyền)
Tôi cũng vậy. Nào tôi có chọn. Hai nhà thơ họ Lê và Bob Dylan là mặt biển xanh chờ đó…
Khi đọc những câu thơ khao khát tự do của Lê Phương Nguyên với sức mạnh thi ca thao thiết như ngọn lửa trào, tôi đã nhớ đến những lời ca khắc khoải của Bob Dylan:
Vách bên có tiếng thở dài
Biết anh đã lỡ mộng đời tự do
Mấy phòng liên tiếp cùng ho
Là lời nhắn nhủ dặn dò gì nhau
Thấy lòng ấm giữa đêm sâu
Biết đời còn những nhịp cầu tri âm
(Ô Cửa Nhìn Đời – Lê Phương Nguyên)
Nhà thơ Lê Phương Nguyên
Phải bao nhiêu năm một ngọn núi sừng sững giữa trời
Trước khi nó bị cuốn trôi theo biển sóng cồn
Và phải bao nhiêu năm một dân tộc sinh tồn
Trước khi người dân được hưởng tự do?
Câu trả lời, bạn hỡi, đang bay theo gió
Câu trả lời để gió cuốn bay đi!
(Blowing In the Wind – Bob Dylan)
Những ca từ Viết Cho Tai Nghe của Bob Dylan có sức mạnh thi ca phi thường. Khi đọc những câu thơ diễm lệ về mùa thu tàn phai của Lê Văn Trung trong tập THU HOANG ĐƯỜNG do Nhà Thư Ấn Quán xuất bản tôi lại cũng nhớ đến những lời sầu ca nỉ non về mùa thu nhàu úa của Bob Dylan:
Em ướp tàn phai vào viễn mộng
Ta uống tàn phai mà buốt lòng
…
Ta uống hoàng hôn ngày bóng xế
Nước mắt người hay giọt rượu cay!
…
Tôi đốt thơ, xác bụi thơ tàn
Người nhớ gom tro vào trong máu
Cho dòng lệ biếc cũng thơm hương
(Thu Hoang Đường – Lê Văn Trung)
Ở Colorado,
Khi tôi ngủ yên dưới mộ thu tàn
(Hắn ta ngủ yên dưới mộ thu tàn)
Thì ở Kentucky,
Em giật mình nhìn bước thu phai,
Để rồi nhiều năm từ chỗ tôi nằm
(Từ chỗ hắn ta nằm)
Em học cách yêu người
(Em biết yêu người)
(Man of Constant Sorrow – Bob Dylan)
Càng đi hai thi nhân họ Lê càng gần nhau và gần với Bob Dylan hơn.
Ta sẽ thâu gom từng vỏ đạn
Từng mảnh bom cuối rạch đầu ngòi
Từng mảnh xương người, manh vải mục
Từng dòng uất nghẹn cháy khôn nguôi
(Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương – Lê Văn Trung)
Thi sĩ Lê Văn Trung
Vâng, phải bao nhiêu lần ngước nhìn lên
Trước khi một người có thể thấy được bầu trời
Và phải bao nhiêu đôi tai gom lại trên đời
Trước khi hắn ta nghe được tiếng người dân kêu khóc?
Vâng, và phải thêm bao nhiêu tang tóc
Cho đến khi hắn biết được là đã có quá nhiều người bị giết
Câu trả lời, bạn hỡi, đang bay theo gió
Câu trả lời để gió cuốn bay đi!
(Blowing In the Wind – Bob Dylan)
Quê nhà đây? Thực hay mơ?
Khu vườn xưa đã bây giờ nghĩa trang!
Nằm kia người của xóm làng,
Lạc nhau từ thuở giặc tràn về đây
(Hai Mươi Năm Sau Trở Lại Vườn Nhà Cũ – Lê Phương Nguyên)
Nhà thơ Lê Phương Nguyên
… Ai cướp đời ta cả tiếng nói
Ta về đây vườn trống nhà không
… Ai ném đời ta qua biển sóng
Máu xương nào cũng máu xương thôi
…Ai đã biến ta thành kẻ lạ
Giữa trái tim người rỉ máu đen
…Ai bắt đời chim quên giọng hát
Lời chim rịn máu đỏ mây chiều
…Ai vắt khô rồi dòng suối cạn
Và vắt đời khô giọt lệ bầm
(Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương – Lê Văn Trung)
Những câu thơ này của lê Văn Trung có sức mạnh thi ca quặn lòng! Ai? Ai đã gây ra những thảm cảnh đó? Ai? Ai đã gây ra những nỗi niềm đớn đau đó? Còn ai vô đây, ngoài những Bậc Thầy Của Chiến Tranh, những tội đồ chống nhân loại mà Bob Dylan đã lột mặt nạ, gọi đích danh và vạch rõ từng tội ác:
Khi mà số người bị giết cứ cao dần lên
Ông ẩn mình trong căn nhà kiên cố
Mặc cho máu của tuổi trẻ tiếp tục đổ
Máu từ cơ thể phun trào
Và bị chôn trong bùn nhão
…Đến cả Chúa Jesus
Cũng không bao giờ tha thứ được những việc ông làm.
Tôi mong ông chết
Và ngày chết của ông sẽ đến sớm thôi
Tôi sẽ theo sau linh cữu
Trong buổi chiều nhạt nhòa
Và tôi sẽ đứng nhìn người ta hạ huyệt
Đặt ông nằm dưới đáy mộ sâu
Và tôi sẽ đứng trên mộ ông thật lâu
Cho đến khi tôi chắc là ông đã chết
(Masters of War – Bob Dylan)
(Bob Dylan, một nghệ sĩ người Mỹ đã đoạt giải NOBEL văn học năm 2016, vì đã tạo ra những cách biểu đạt mới đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ).
Những Bậc Thầy Của Chiến Tranh, các ông làm ra súng lớn, làm ra máy bay thần chết, làm ra các loại bom; các ông ẩn mình sau các bàn giấy. Tôi muốn nói cho các ông biết, tôi nhìn xuyên suốt mặt nạ của các ông. Các ông chẳng làm gì ngoài hủy diệt, coi thế giới này là đồ chơi, ông đặt súng vào tay tôi… (Masters of War – Bob Dylan).
Bob Dylan đứng trên mộ của bạo chúa gây chiến tranh thật lâu cho dến khi biết chắc là hắn ta đã chết. Bạo chúa chiến tranh, những kẻ gây tội ác chống lại loài người, tàn sát, diệt chủng; những kẻ kích động bạo lực, nuôi dưỡng công lý báo thù… Những kẻ gây chia rẽ và thù hận chủng tộc, chia cắt các quốc gia; xâm chiếm các nước yếu, chà đạp các dân tộc, chà đạp nhân phẩm, giết hại trẻ thơ cùng góa bụa. Những kẻ dựng lên những trại tập trung, trại cải tạo, dựng lên pháp trường, tạo ra nạn đói nhân tạo, bày trò ấu tố… Họ biến những rừng cây ngát hương thành bãi chiến trường, rải quân như vãi đậu, tắm máu những dòng sông, tắm máu những cánh đồng, tắm máu lên cả sa mạc…Họ, những kẻ cuồng tín hô hào kháng chiến, lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng niềm khát khao tự do, lợi dụng cả tình nghĩa vợ chồng, lợi dụng niềm tự hào dân tộc…để xé nát những mảnh đời, chia rẽ tình duyên, xé nát những mái ấm, xé nát tình làng nghĩa xóm, ngăn cấm thờ phượng, phá nát các truyền thống, phá nát lòng người…
Hình ảnh Bob Dylan cầm guitar đã được Saturday Evening Post chọn làm ảnh bìa số ngày 2-11-1968
Hình ảnh Bob Dylan cầm guitar đã được Saturday Evening Post chọn làm ảnh bìa số ngày 2-11-1968
Boob Dylan nhìn thật kỹ người ta hạ huyệt bạo chúa gây chiến tranh, chờ cho huyệt mộ được lấp đầy, lên đứng trên đó thật lâu cho đến khi tin chắc là hắn ta đã chết. Nhưng cho dù các Masters of War đã chết, thì di hại của những gì các bậc thầy tội ác ấy gây ra vẫn còn mãi. Vì các Master of War không bao giờ hành động một mình mà luôn mượn một ngọn cờ hoặc một chủ thuyết nào đó. Chủ nghĩa phát-xít còn mãi di họa thù hận chủng tộc trong đầu óc những người tự cho mình là da trắng thượng đẳng; chủ nghĩa cộng sản còn mãi di họa trong thói thị huy thị quyền, coi mạng người như cỏ rác, coi nhân dân như gà vịt, huênh hoang rỗng tuếch, ích kỷ hẹp hòi, tự cao tự đại, thích ngồi trên đầu thiên hạ, đập ngực tự xưng: “Ta là lương tâm thời đại, là đỉnh cao trí tuệ loài người” mà quên mất một điều: đã là ếch, thì dù ngồi đáy giếng hay đứng trên đầu nhân loại, bầu trời đối với chúng cũng chỉ bằng cái nắp vung…
Bất chấp những di hại còn “tồn tại”, các nhà nghệ sĩ vẫn gởi đi những thông điệp tràn đầy hy vọng. Các văn bản cho thấy, cả ba ông: Lê văn Trung, Lê Phương Nguyên và Bon Dylan đều muốn hòa trái tim mình với trái tim nhân loại và cùng khao khát một mùa xuân thiên đường:
Bờ môi mặn giọt đoạn trường,
Vẫn xanh mơ ước con đường nở hoa…
Có vì sao ở thật xa,
Dịu dàng màu mắt như là cố nhân,
Nhìn nhau tha thiết ân cần
Cùng tương tư một mùa xuân thiên đường.
(Ô cửa Nhìn Đời – Lê Phương Nguyên)
…Cho tôi uống vẹn dòng tinh khôi ấy
Tôi ôm ghì khát vọng đóa nguyên xuân
…Là hồn tôi trên lối cũ tàn rêu
Lòng cháy khát những mùa xuân ảo mộng
Lòng cháy khát thuở tình phơi áo mỏng
(Thu Hoang Đường – Lê Văn Trung)
thi sĩ Lê Văn Trung
Thôi hãy vì nhau mà giữ lại
Thôi hãy vì nhau mà giữ lại
Chút tàn tro: bí tích nhiệm mầu
Một mai dựng lại thiên đường mới
Trời đất muôn loài thương mến nhau…
(Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương – Lê Văn Trung)
Một ông Lê Văn Trung, Ta hôn lên mắt ngời khát vọng rồi vừa làm thơ vừa cày ruộng Đất và Thơ Hòa Lệ Máu Dâng Đời; một ông, Lê Phương Nguyên, từ trong nhà tù nhìn ra Cửa đời nhỏ tựa bàn tay, vẫn nhìn thấy ánh sao mai rạng ngời… Ông kia, Bob Dylan, thưa với mẹ, dẫu phải lên máy chém, “Mẹ ơi, nếu những dòng suy nghĩ của con bị lộ. Người ta có thể chém đầu con rời khỏi cổ. Nhưng dẫu thế cũng chẳng sao, Mẹ ơi, con chỉ chảy máu thôi. Nhưng dẫu thế cũng chẳng sao. Đó là đời, con cũng chỉ vì đời thôi! – It’s all right, Ma, I’m only bleeding!” Bài hát này gợi nhớ đến nhạc sĩ Orpheus trong thần thoại Hy Lạp. Âm nhạc của Orpheus quyến rũ được thú hoang và sỏi đá. Đến vua của cõi U minh là Hades cũng phải nhỏ lệ trước lời ca của ông. Orpheus chết dưới bàn tay kẻ thù, người không được âm nhạc thần thánh của ông cảm hóa, đầu ông trôi ra biển vẫn không ngừng ca hát…
Nhân dịp Bob Dylan đoạt giải Nobel văn học, các nhà phê bình cho rằng ông đã có công làm cho thơ sống lại, làm cho thi ca được phục sinh. Nhận định rằng thơ càng ngày càng èo ọt thiếu máu, thiếu hơi thở cuộc sống và xa cách công chúng. (Thi sĩ – nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng đã viết: - Thơ như đang bay trong chân trời tuyệt lộ. Tuyệt lộ ngay chính chỗ đang bay, tuyệt lộ trên đôi cánh và tuyệt lộ cả cõi về).
Bob Dylan
Nhận định tiếp rằng, Bob Dylan đã đem lại sức sống cho thơ, đưa thi ca đến gần công chúng, đem máu thịt và nhịp đập của trái tim thi sĩ hòa vào mạch sống của thời đại mình. Ở tầm nghĩ hạn hẹp, tôi không dám quyết là hai ông nhà thơ họ Lê có đem lại sức sống cho thơ hay không, nhưng tôi tin chắc là hai ông đã sáng tác với tất cả tâm huyết, và có ước vọng đem máu thịt và nhịp đập của trái tim thi sĩ hòa vào mạch sống của thế hệ mình, xứ sở mình, thời đại mình. (Chẳng phải thi sĩ Lê Văn Trung đã tự bạch Đất Và Thơ Hòa Lệ Máu Dâng Đời đó sao!).
Cả ba ông đều vì một khao khát cháy lòng, nếu có thể nói như vậy: Mong cho mặt đất vĩ đại này của chúng ta trở thành một nơi tuyệt vời để sống. (We could make this great land of ours a great place to live – Bob Dylan)
Đầu Xuân 2019
Nguyễn Âu Hồng
No comments:
Post a Comment