Hai Câu Thơ Viết Trên Vách
(viết về nhà thơ Lê Văn Trung)
Tình không, không cửa không nhà
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều.
(Lê Văn Trung)
Tuần lễ vừa rồi, hình như vào ngày 14 tháng 10 (không nhớ rõ) tôi gọi điện thoại thăm vợ chồng anh Trần Hoài Thư khi tôi đang ở Houston 12 ngày. Anh bạn Trần Hoài Thư đề nghị với tôi số 34 kỳ này làm số chủ đề về nhà thơ Lê Văn Trung. Tôi không do dự chi cả, và nói ngay với anh Thư: đồng ý.
Trần Hoài Thư
Lê văn Trung, nhà thơ cùng thế hệ chúng tôi, có những suy tư như chúng tôi, có cái nhìn về một tương lai đầy bi quan trong cuộc sống của thời chiến tranh năm xưa; dù anh nhỏ hơn chúng tôi lại không phải là quân nhân như tôi với anh Trần Hoài Thư. Nhưng, với lớp trẻ chúng tôi năm ấy dù ở đâu, cũng đều có chung một đáp số. Có làm việc gì chăng nữa, tôi cũng vào quân trường và ra chiến trường.
Lê văn Trung
Trong bài viết của nhà thơ Phạm Cao Hoàng về LVT, hai anh (PCH và LVT) lo cho chúng tôi là phải; vì chiến trường Bình Định như thế nào chắc ai cũng biết. Và, với LVT, lúc nào cũng trầm ngâm, ít nói. Cùng lắm là chỉ nói vài câu với giọng rặt Quảng Nam (Đà Nẵng). Ngoài ra Trung rất chững chạc và đứng đắn trong lối ăn mặc với cái nhìn của tôi về một người thầy trong tương lai. Lúc ấy, quen anh, khi anh còn là một giáo sinh Sư Phạm cùng khóa với Phạm Cao Hoàng. Quen nhau như thế nào, lúc nào, ở đâu thật khó nhớ cái mốc thời gian năm ấy. Nhưng lạ, cái tình bạn thân nhau chưa một lần "xích mích" và biết "tôn trọng" nhau, giữ mãi cho đến hôm nay, dù có "luân lạc" trong cuộc sống sau tháng tư năm 1975.
Năm 1969 tôi rời khỏi Bình Định. Phạm Cao Hoàng và Lê Văn Trung cũng ra trường mỗi người đi mỗi nơi. Tôi nhớ: Phạm Cao Hoàng về Bình Thuận. Lê Văn Trung về Quảng Ngãi. Trần Hoài Thư sau đó cũng rời khỏi Bình Định về Ban Mê Thuột và vào Nam. Căn nhà, có quá nhiều kỷ niệm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, khu sáu năm nào, cũng chẳng biết ra sao. Nhà của chủ trả lại cho chủ. Chỉ còn những kỷ niệm khó quên của một thời gian khó quên của tuổi trẻ chúng tôi, còn giữ lại.
Hôm nay viết về Lê Văn Trung trong số chủ đề về anh, tôi lại nhớ đến những người bạn thân năm nào đã đến chơi hay ở lại vài hôm trong căn nhà ấy. Những người bạn này có Nguyễn Lệ Uyên từ Tuy Hòa ra. Có nhà thơ Hoàng Ngọc Châu từ phố Gia Long (tiệm vàng Phú Xuân) vào. Có nhà thơ Lê Văn Ngăn từ phố Qui Nhơn đến. Có cả Mai Khế, một giáo sinh Sư Phạm cùng khoá với PCH và LVT. Mai Khế chẳng viết lách gì cả, nhưng lại rất "mê" lối sống lang bạt của chúng tôi. Nhất là khoái cuộc sống của anh Trần Hoài Thư, bất cần đời. Giờ chỉ còn lại những kỷ niệm. Giáo sinh Mai Khế ở đâu? Anh Trần Hoài Thư cố tình tìm kiếm, nhưng chẳng thấy. Còn có anh Nguyễn Huy Hoàng, nhà báo, từ Pleiku về trong căn nhà này. Cũng như nhà thơ Nguyễn Phương Loan cũng từ chiến trường Pleime đã về đây. Nay hai anh không còn nữa.
Nhắc đến nhà báo Nguyễn Huy Hoàng, anh là người rất đôn hậu, thương mến anh em cầm bút. Anh Nguyễn Huy Hoàng có nhà sách Huy Hoàng nằm trên đường Độc Lập, Nha Trang. Người dân thành phố biển này chắc chắn ai cũng biết nhà sách này: Nơi "hội tụ" của những anh em một thời yêu "văn nghệ, văn gừng" của cái tuổi đôi mươi năm ấy.
Căn nhà cuối đường Nguyễn Thái Học ấy là một kỷ niệm đi đi về về của những người bạn, mà hai câu thơ của ai đó đã dùng "cục than hầm" của ông Ba chủ nhà có cái quán nhỏ trước nhà bán tạp hóa viết trên vách:
"Tình không không cửa không nhà
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều"
Với hai câu thơ này, xem ra nó phù họp với cuộc sống của chúng tôi. Lính mà, nhất là lính bộ binh nữa làm gì có "cô nào" dám yêu, cho nên "lính bụi và lang bạt" nhất là với anh bạn Trần Hoài Thư, lang bạt, bất cần đời, dù trước khi nhập ngũ anh là một giáo sư dạy toán/công dân ở Tam Kỳ.
Hai câu thơ đó của ai. Thôi thì ai cũng được. Có thể là của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu? Có thể là của Phạm Cao Hoàng? Có thể là của Lê Văn Ngăn?... cho dù là của ai, trong căn nhà này, anh em đều thuộc nằm lòng.
Hơn 40 năm sau, tôi mới biết hai câu thơ đó trong bài thơ: Ngày Xa của Lê Văn Trung.
Do anh Trần Hoài Thư sưu tầm được trên Bách Khoa cũ. Sau khi sưu tầm được bài thơ này, anh gọi cho tôi và bảo hai câu thơ này nằm trong bài Ngày Xa của LVT. Anh đã đi lại bài này trong tập "Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, tập I" Tôi nghe anh nói mà rất vui khi biết chủ nhân của hai câu thơ viết trên vách trong căn nhà có quá nhiều "bừa bãi" của chúng tôi ngày ấy. Bài thơ ấy như sau (đi nguyên văn)
Em nào hiểu giữa cơn say
Ta chiêm bao thấy một ngày rất xa
Tình không không cửa không nhà
Lòng như mây trắng bay qua biển chiều
Sẽ tan vào cõi tịch liêu
Một đời cát bụi cuốn triều bão giông
Ta là bóng của hư không
Tình em là nẻo vô cùng khói sương
Em nào hiểu giữa tai ương
Ta như mây gió trên đường chim bay
Bù em một cốc sầu đầy
Uống cho ta thấy một ngày đã xa.
Nhưng trong tập thơ: Cát Bụi Phận Người (2006). Đây là tập thơ đầu tay của Lê Văn Trung xuất bản gởi ra cho chúng tôi. Anh chỉ đi có 4 câu đầu, còn 8 câu sau anh không đi lại? hay có sự "hiệu đính" lại. Và tựa của bài thơ cũng khác: Chiêm Bao.
Năm 1969, Qui Nhơn tôi không trở lại cho mãi đến hôm nay. Nhưng những chuyến xe lam chạy quanh thành phố mà nhà thơ Phạm Cao Hoàng viết lại làm tôi nhớ từng gương mặt của các bạn. Giờ hầu như, qua Thư Quán Bản Thảo anh em cũ đã họp mặt gần đầy đủ.
nhà thờ Phú Cam - Huế
Dù từ năm ấy, các bạn của tôi đã thuyên chuyển đi các nơi khác (Trong bài viết của Phạm Cao Hoàng). Nhưng, vào năm 1972, tôi về Huế thăm nhà, lại gặp Lê Văn Trung. Anh không còn dạy học ở Quảng Ngãi nữa, anh đổi về Huế. Tôi đến thăm anh với chị Hiệp cùng đứa con gái đầu lòng còn nằm trong nôi. Một bữa nhậu nhỏ nhưng thật ấm cúng không còn ngày nào lạng bạt ở Qui Nhơn, do chị Hiệp sửa soạn trên căn phòng của lầu 2 mà anh chi thuê, trên dãy lầu của nhà thờ Phú Cam. Buổi chiều, Huế lạnh. Trước dãy hành lang của dãy lầu hai, những hàng cây trứng cá vẫn đứng im trong cái lạnh của Huế, và tôi cũng chia tay anh để trở lại đơn vị từ ngày đó.
Mãi cho đến cuối năm 1982 -sau khi ra khỏi trại cải tạo- tôi về Huế thăm nhà. Mượn chiếc xe đạp cà tang của đứa em, đạp lên hướng nhà thờ Phú Cam, tìm đến dãy lầu mà anh chị đã thuê năm 1972 - hy vọng anh chị còn sống nơi đó- Dựng xe nơi gốc cây trứng cá già, nhìn lên dãy lầu mà tôi còn nhớ, ngơ ngác tìm kiếm. Một ông thợ hớt tóc đang hớt tóc, thấy dáng điệu ngơ ngác như muốn tìm kiếm ai, ông hỏi tôi:
- Ông tìm ai trên đó?
- Tôi tìm anh chị Lê Văn Trung.
Nghe tôi nói giọng Nam, ông biết tôi ở xa đến. Ông ta kéo tôi ra gần gốc cây trứng cá, nói nhỏ:
- Ông không biết gì sao?
- Không.
- Ảnh đi tù rồi. Ông đi đi, đừng đứng nơi đây nữa.
- Còn vợ anh ấy đâu, cho tôi gặp?
- Đã dọn vào Long Khánh hết rồi.
Nói xong, ông ta đi ngay. Tôi đạp xe về nhà. Trên đường, lòng buồn quá đỗi. Hình như thời buổi ấy, ai nghe nói đi tù... cũng sợ!
Phan Thiết
Sau đó, tôi có nghe anh đầu quân vào một công ty xây dựng, về Phan Thiết xây dựng một công trình gì đó, rồi sau đó, công ty lên Lâm Đồng, anh cũng đi theo. Tôi có nghe nhà thơ Từ Thế Mộng, khi còn sanh tiền, có nói với tôi LVT có lên nhà tìm tôi. Và đọc lại bài thơ anh làm khi còn ở Phan Thiết vào năm 1997. Năm ấy, tôi đã đến Mỹ rồi. Đọc lại những câu thơ cuối trong bài thơ anh làm ở Phan Thiết:
một phương trời/ một phương tôi/ một phương người/ quạnh hiu.
Rồi tôi cũng nghe bạn bè nói lại, về Đồng Nai, sự mưu sinh của anh chị và các cháu thật vất vả, cực khổ. Như trong bài Chợ Nghèo mà anh chị phải làm quần quật để kiếm sống nơi vùng Kinh Tế Mới. Ngày ngày anh và chị phải:
ngày qua ngày lại ngày qua
tôi cùng em đấy xe qua chợ nghèo
chở đầy xe nỗi gieo neo
mua long đong bán bọt bèo quẩn quanh
hay:
tôi nhìn hai vết xe lăn
ngậm ngùi như dấu bàn chân bên đường
của em
giọt lệ
giọt sương
nghìn năm còn đọng trong lòng nỗi đau
chợ nghèo rách dột xạm màu
thời gian
tiếng dế buôn nao bóng chiều.
Cuộc đời của anh có quá nhiều nỗi khổ. Khổ từ trong trại cải tạo không nói làm gì. Khổ ngoài đời kiếm sống để nuôi vợ, nuôi con mới quan trọng. Lao tâm. Khổ trí. Nhìn anh qua những tấm hình mà bạn bè gởi qua cho tôi. Tôi ngỡ ngàng. Không phải một Lê Văn Trung ngày nào khi chúng tôi còn ở Qui Nhơn. Một Lê Văn Trung chững chạc, thì hôm nay bệ rạc thế sao? Ngẫm mà buồn!
Rồi tôi có nghe người bạn thân nói lại, cũng vì lao lực, lao tâm quá nhiều nơi vùng "kinh tế mới" Đồng Nai. Anh ngã bệnh nặng. Tưởng rằng không thể gượng dậy nỗi.
Đọc: Thời Gian Nhìn lại anh viết tặng chị Hiệp (vợ anh). Đọc những câu thơ như anh đã trút hết vào đó những gì 60 năm anh đã có cái hình hài này:
Sáu mươi năm những bọt bèo vô nghĩa
câu thơ nào em viết xuống đời anh
Xin đủ ấm một góc chiều mộ địa
Anh nằm nghe lá úa rụng bên mình...
Lê Văn Trung ơi, hôm nay TQBT 34 làm chủ đề về anh, để bạn bè cùng viết về anh với những kỷ niệm khó quên. Cũng như để ngưỡng mộ những bài thơ thật tuyệt vời của anh. Những bài thơ, có lẽ, sau năm 1975 anh đã khổ tâm, khổ trí trong cuộc mưu sinh hằng ngày để sáng tác nên những đứa con tinh thần như máu, như hơi thở của anh còn lại trong kiếp nhân sinh này. Những máu, nước mắt, và hơi thở của anh như đã truyền vào trong những bài thơ ấy để cho bạn bè và độc giả mến mộ anh cùng đọc những bài thơ thật tuyệt vời. Nhất là lục bát.
Từ năm 1972 cho đến hôm nay, tôi không gặp anh và chị. Nhưng trên TQBT lúc nào cũng có những bài của anh. Đọc thơ anh, tôi nghĩ đã có anh bên cạnh rồi. Nhất là tập thơ thứ hai của anh. Tập Tịnh Khúc, dù anh viết tay, chưa có đủ điều kiện để cho đứa con tinh thần của anh ra chào đời. Nhưng qua điện thư anh gởi cho chúng tôi. Khi nào "Tịnh Khúc" ra đời, tôi sẽ gởi ra tặng hai anh (Tôi và THT). Một câu nói đầy tình nghĩa của bạn bè năm xưa, vẫn còn nhớ đến nhau. Mà mỗi khi rảnh rỗi, ngồi một mình suy ngẫm. Biết khi nào tôi về để gặp các bạn đây? Sao người ta cứ đi về hoài, dễ quá! Còn tôi thì vẫn lặn hụp trong mù sương.
Phạm Văn Nhàn
(Thư Quán Bản Thảo tập 34, Tháng 12-2008)
No comments:
Post a Comment