Saturday, June 26, 2021

Trang Vandoanviet

  LÊ VĂN TRUNG - NHỮNG VẦN THƠ "THÀ NHƯ MÂY TRẮNG BAY"

Nguyễn Thị Bích Hậu

 https://vandoanviet.blogspot.com/2021/06/le-van-trung-nhung-van-tho-tha-nhu-may.html?fbclid=IwAR3qaO18qY39br1R7rXs38rLtXnqEjARlOj4Zc6Ti2nG1Mz85oLbSF81WSs

 

                             Lê Văn Trung qua Kim Duẩn

 

Một trong những đặc ân của mùa dịch, là cho tôi thời gian nhiều hơn để đọc thơ. Những thi sĩ trên cõi mạng có không nhiều độc giả. Thường một bài thơ post lên chỉ có vài chục người like và vậy thôi. Vì có quá nhiều thứ để người ta quan tâm. Và trong khi lang thang trên mạng, tôi tình cờ tìm ra thơ của thi sĩ Lê Văn Trung, ông khá kín tiếng trong đời sống văn chương mà ta vẫn thấy trên đài hay báo. Nhưng thơ của ông rất hay và bút lực thì đầy sức mạnh. Và tôi đã kết nối để nghe thêm chuyện về ông.

Lê Văn Trung sinh năm 1947 trong một gia đình công chức tại Đà Nẵng, dù ông quê gốc Quảng Nam. Suốt thời ấu thơ, gia đình ông theo người cha di chuyển chỗ ở mỗi khi ông cụ đổi chỗ làm việc. Vì thế ông được sống ở hầu hết các địa phương xứ Quảng. Nhưng tới năm học trung học, gia đình cho Lê Văn Trung được học tại trường trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Ông cho biết: “Khóa của tôi có nhiều nhân tài, tôi cùng học một lớp với bạn Vũ Đức Sao Biển, Vương Trùng Dương…”.

Học xong trung học, ông thi đậu rồi tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn năm 1969 và về Quảng Ngãi dạy học, rồi sau đó viết văn, làm báo.

Lê Văn Trung làm thơ từ rất sớm, khi còn đang học tiểu học. Ông kể: “Khi học tiểu học, thơ của tôi đã được đăng trên những tờ báo nhỏ, ví dụ tờ Tiểu thuyết Thứ Năm và vài tờ khác. Sau đó, tôi tiếp tục gửi thơ đăng báo suốt thời đi học. Nhưng phải tới khi tốt nghiệp đại học, thì thơ của tôi được đăng trên nhiều tờ báo lớn chuyên về văn nghệ, ví như tạp chí Bách Khoa, Văn, Ý Thức, Thời nay, Khởi Hành, Nghệ thuật…

Có thể hình dung những tháng ngày mơ mộng thời tuổi trẻ của Lê Văn Trung qua các câu thơ rất hay sau:

"Nỗi buồn tô nhẹ lên môi
Tôi phơi xác lá hồn tôi chớm vàng
Sông người chảy một dòng trăng
Tóc người lạnh một hồn sương nguyệt rằm
Tình tôi chùng phím huyền cầm
Tay người thả một nhánh trầm hương bay
 
Về đây với hội hoa này
Áo người mỏng quá mộng bày dưới hoa
Này đây nhung gấm lụa là
Này đây mắt ngọc môi ngà bừng hương
Này đây da thịt là sương
Là mây ảo mộng là trường giang mơ
Nỗi buồn tôi trải lên thơ
Bước chân tình động đôi bờ nhân gian".
 
"Nhớ người xưa nắng vàng thêu
Nhành hoa nở đóa mỹ miều áo hoa
Những dòng thơ chảy như tơ
Tóc bay rối cả giấc mơ hoang đường".

 

Tuy nhiên, cuộc đời mộng và hoa đó không kéo dài trong đời thực. Là vì như Lê Văn Trung tâm sự “Cơm áo đâu đùa với khách thơ, nhiều khi một người đang cầm cây bút hào hứng với thi ca, nhưng con gọi cha cần có sữa uống, thì cũng phải vì con mà đành dừng lại”.

Sau 1975, Lê Văn Trung về Huế cùng gia đình. Ông có vợ là một cô giáo rất chịu khó và đảm đang, rồi lần lượt có bốn con, hai trai hai gái.

Rồi những biến cố thời cuộc khiến cho ông phải dừng công việc cũ. Xa đô thành Huế, vợ con ông trôi dạt về vùng rừng núi heo hút ở xã Xuân Đông, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ít năm sau, ông cũng về cùng nơi đó với gia đình, làm rẫy trồng khoai theo diện kinh tế mới. Đó là những năm tháng khó khăn nhất của Lê Văn Trung. Bởi vì ông vốn là bạch diện thư sinh, từ nhỏ sống trong gia đình công chức. Nay lần đầu cầm cây cuốc thật không dễ dàng. Ông kể rằng “Thấy bà con nông dân trồng rẫy, mình cũng trồng rẫy, nhưng họ thu hoạch thì nhiều vì có sức, có kinh nghiệm, mình làm thì có khi thất bát, có khi chỉ thu hoạch được một phần nhỏ”.

May mắn là ông có một người vợ hiền luôn đồng cam cộng khổ cùng ông trong cuộc mưu sinh, các con thì chịu khó ăn học. Và dù sống như nông dân thực thụ vào ban ngày, ban đêm ông vẫn đọc sách và làm thơ, viết văn.

Đó là khoảng thời gian mà như một bạn học của ông là nhà báo Vương Trùng Dương tâm sự: “… Lũ chúng tôi, mỗi đứa rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, và trong tận cùng bi thảm của cuộc đời, có cái mất, cái còn. Albert Schweitzer cho rằng “Bi kịch cuộc đời là những gì chết đi bên trong một người khi anh ta còn sống” thì bi kịch của cuộc đời nhà thơ Lê Văn Trung gởi cho tha nhân qua hàng trăm bài thơ trải dài bốn thập niên. “Lũ chúng ta, lạc loài dăm bẩy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, hai câu thơ trong bài Phương Xa của Vũ Hoàng Chương là hình ảnh chúng tôi vào thuở đó”.

Thơ của ông sau những biến cố của đời sống, giờ đây là những vần thơ thấu hiểu nỗi buồn nhân gian sau biết bao mùa ly loạn:

"Thà ví đời ta như cây cỏ
Sống giữa đất trời như cỏ cây
Hề ta chỉ là tên hàn sĩ
Lòng ta là một ly rượu đầy
Ta rót mời em vài chén rượu
Hãy uống cùng ta dăm nỗi buồn
Tay gõ vào mây mà lệ ướt
Tay ôm tràn gió mà mưa tuôn
Có nghĩ vì nhau mà nâng chén
Có nghĩ gì nhau mà uống say
Thiên hạ đã bao mùa ly loạn
Ta với em chừ tay trắng tay…”.
 (Chén rượu hoàng hôn)


Năm 2006, sau rất nhiều gian nan và khó khăn, Lê Văn Trung cho ấn hành một tập thơ có 62 bài tên là Cát bụi phận người. Tập thơ này do NXB Văn nghệ cấp phép và chỉ in vẻn vẹn có 500 cuốn. Một số lượng rất nhỏ. Vì thơ hồi đó bán đã rất khó, thường chỉ in để dành tặng nhau. Trong khi thi sĩ Lê Văn Trung thì đâu phải người giàu có gì cho cam. Nhưng đây là một tập thơ rất hay, hiện vẫn còn bản pdf trên mạng mà nhiều độc giả có thể đọc.

Ông tiết lộ: “Những bài thơ trong tập này được tôi làm trong một mùa hạn hán rất dữ dội. Khi đó không thể trồng cấy gì, đành ngồi nhà làm thơ”. Năm 2020, ông mới cho in một tập thơ khác tại NXB Hội Nhà văn có tên Biệt khúc. Ngoài ra, còn hai tập thơ in ở Mỹ là Bi Khúc (2010) và Thu hoang đường, cùng NXB Thư Ấn Quán (2019) từ những bài thơ do bạn bè tuyển chọn. Hầu hết các tập này in với số lượng rất nhỏ.

Tất cả chưa thấm vào đâu so với gia tài hơn 600 bài thơ và nhiều truyện ngắn của ông. Tuy nhiên, vì thơ ông hay nên nhiều trang mạng lan truyền thơ-truyện của ông để độc giả thưởng thức.

Lê Văn Trung hiện vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, sống cùng vợ tại vùng quê kinh tế mới ở Đồng Nai. Bốn con của ông đã tốt nghiệp đại học và đi làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc sống an ổn.

Thời gian bảy mươi bốn năm của thi sỹ Lê Văn Trung đủ dài cho những trải nghiệm cuộc đời. Tất cả hiện ra đủ đầy trong hàng trăm bài thơ, viết bằng một thứ tiếng Việt tuyệt vời có từ thời Nguyễn Du, Nguyễn Trãi.

Tôi tin rằng thơ của Lê Văn Trung theo thời gian sẽ càng có nhiều độc giả yêu thích, bởi không chỉ hay mà còn đẹp.

 Đọc thơ của ông là để đồng cảm trong một cuộc trở về, với quê hương và nguồn cội:

 
"quê là quán
quán là quê
ra đi là cuộc trở về thủy chung
sông và suối
suối và sông
sông đi là suối nối dòng trước sau
cõi vị lai
cõi ban đầu
hai miền tịch mịch, hai đầu hư không
sá gì dâu biển tang thương
quê là quán trọ trên đường mây bay."
 (Quê và quán)

 

………………………………………

 

Chùm thơ Lê Văn Trung

 

*Hạt bụi

Làm ơn cầm hạt bụi này
Từ trăm năm cõi lưu đày nhân gian
Làm ơn cầm rất nhẹ nhàng
Rất mong manh, dễ vỡ tàn trên tay

Nhẹ như khói, nhẹ như mây
Nhẹ hơn cả tiếng thở dài trong tim
Và làm ơn đừng nguôi quên
Rằng thiên thu hạt bụi chìm hư vô

Tìm nhau trong hạt bụi này
Chờ nhau trong cõi lưu đày tình nhau


*Thà như mây trắng bay

Cho ta ghé tạm nơi nào đó
Hiên quán ven đường gió hắt hiu
Này cô chủ quán giùm ta với
Lau hộ cho ta lệ của chiều

Thời thế nhiễu nhương anh hùng tận
Tàn phai hương sắc thiếu giai nhân
Thôi hãy vì nhau mà uống cạn
Ly rượu nhân gian đã vỡ tràn

Cho ta ngồi tạm dăm ba phút
Rồi đi như chiếc lá bay vèo
Ta tan vào tận miền quên lãng
Ta mục như đời một kiếp rêu

Cho ta mời tạm vài chung rượu
Rượu cất chưng từ nỗi bể dâu
Xin cùng ta uống cho say khướt
Dù kẻ đầu xanh kẻ bạc đầu

Thôi ta đi, như vô tình ghé
Quên lãng đất trời, quên lãng nhau
Ta như mây trắng chiều phiêu lãng
Ta đi? Nào biết giạt về đâu.

*Không kịp mơ tròn một giấc mơ 

Ngày cứ tàn vơi, đêm xuống vội
Sao chẳng ai về kịp giấc mơ
Tôi thắp hồn tôi trăm ngọn nến
Soi đường tìm lại bóng tôi xưa

Tôi thấy tôi ngồi bên hiên quán
Đếm từng phiến lá ngậm ngùi rơi
Lá rơi, rơi tận miền quên lãng
Chiếc ghế không người cũng lẻ loi
 
Mưa hắt hiu mưa từng giọt mưa
Âm thầm rét ướt lạnh bờ vai
Người qua rất vội, đêm vơi cạn
Không kịp mơ tròn một giấc mơ
 
Có ai về níu lòng xanh cũ
Nở vói giùm tôi một đóa hồng
Cánh cửa vườn xưa đừng vội khép
Sợ chiều rơi vỡ bóng chiều buông.
 
 12/6/2021

*Trăng bạc
 
Khi về chợt thấy lòng se quạnh
Hàng xóm chong đèn thức suốt đêm
Tiếng người gọi vói qua hiên vắng
Tiếng gọi mơ hồ nỗi nhớ quên
 
Ta ngỡ ngàng lay hờ cánh cổng
Hình như đóng kín lòng trăm năm
Màu trăng chảy ướt niềm hoang vắng
Trăng ơi có thức cùng ta chăng?
 
Hình như nhà vắng – Người đi biệt
Hay chỉ là ta lạc lối về
Hay chỉ là ta thành kẻ lạ
Giữa giấc mơ đời đã ngủ mê
 
Ai vói hỏi buồn bên hàng xóm
Khe cửa còn leo lét ánh đèn
Ngỡ như thiên hạ mình ta thức
Có kẻ vì đâu mà trắng đêm
 
Hơn bốn mươi năm! Ừ! Đã qua
Lòng ai? Lòng viễn khách xa nhà
Khi về tìm lại màu trăng cũ
Trăng vỡ như ngàn hạt lệ sa
 
Hơn bốn mươi năm! Ừ! Thế thôi!
Nhà xưa đây! Người bỏ đi rồi
Lòng của ta xưa giờ cũng lạ
Tình của ta xưa giờ phai phôi
Hơn bốn mươi năm cuộc biến thiên
Khi về lạ cả những tình thâm
Tiếng người hỏi vọng bên hàng xóm
Đánh thức trong ta vạn nỗi niềm
 
Hơn bốn mươi năm, thôi đành vậy
Giấu lời chia biệt, nén niềm đau
Ta ngồi chuyện với vầng trăng lạnh
Đã thức cùng ta đến bạc đầu.
 

Friday, June 4, 2021

Bình thơ: Một góc nhìn về thi sĩ Nguyễn Đức Sơn - Lê Văn Trung

 MẦU NHIỆM HƯ VÔ

https://www.facebook.com/groups/395853348109312/permalink/540003957027583
(một góc nhìn về thi sĩ Nguyễn Đức Sơn)


Nguyễn Đức Sơn

Tôi đang lắng nghe tiếng đồng vọng mênh mang của đất trời u tịch, huyền âm thiên cổ của “bóng nguyệt mang mang”, của “gió tai ương ngàn lần đổ vỡ”, của “đắm đuối tan hoang” một hồn du tử.

Tôi đã chạy mõi rã rời, đã “nhắm mắt đuổi theo”, đã hít thở thiên hương “một chút quần áo lót của hồng nhan”, để rồi gục đầu sám hối “bên bờ cát bụi”.

Khi lặng chìm trong u trầm tịch mạc, là một trời huyễn mộng phủ trăng sương.  Tôi lắng nghe tiếng gọi của vô cùng, nơi vĩnh cửu linh hồn tôi cùng mầm cây ngọn cỏ ươm nỗi niềm hân-hoan-tĩnh-lặng, trần truồng và trinh bạch, vô thỉ và vô chung.

“Tôi nằm xuống một khuya vàng bên suối
Mở hồn ra làm bãi trắng tinh khôi”
         Từ:
“Những mối sầu đâu tự buổi sơ sinh” 
Hồi ức của trời xưa còn rớt rơi trong tiềm thức kiếp nào, tôi luôn ngậm ngùi về kiếp nhân sinh vật vờ vô định.

Trong hồn tôi vành cỏ mộ xanh rì”

Hổn hển chạy theo bóng trăng tà
Ngây ngất lăn dài theo ngọn gió vàng phai
Ngất lịm u trầm trong tịch mịch rừng mây

“Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
 Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
   Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô”

Đồng vọng của cõi-lặng-im như tiếng gọi của hồn tôi từ nấm mồ thiên cổ, từ những “mang mang sầu vạn thuở”.

“Nghe lạnh hàn khi chạm đáy hư vô
Hồn đã ủ ngàn năm trong lá cỏ”

Tiếng réo gọi của hư vô với nỗi rộn rã ngất ngây mê hoặc, máu trong tim chảy tràn như suối, máu trong tim đặc quánh tím bầm, tôi đâm đầu chạy đến với hư vô, điên cuồng chìm trong hấp lực huyễn hư cô tịch.

“Đau đớn quá trong tôi niềm tuyệt đối
Nên cởi truồng chạy giữa đám vi lô
Tôi động cỡn nhảy kè bên khe núi
Rồi ôm đầu lao thẳng xuống hư vô”

Hư vô là niềm cám dỗ không nguôi, là nỗi quyến dụ của chân như hiện thực, là nơi nhàn thoát u tĩnh thiên thu, nó hút ta về miền tồn-sinh-vĩnh-cửu trong sát na kỳ ngộ.

“em hỡi em ơi cõi nào xa biếc
Ta sẽ về ngủ lại với thiên thu
Em sớm theo ta đến cõi xa mù
Hay ở lại để sầu theo mây nước”

Tôi sẽ về! Tôi sẽ về theo tiếng gọi hư vô, bởi vì các em hỡi: “Hồn anh trong bóng nguyệt”

“Các em làm sáng rực cả vô minh”

Tôi nghìn năm đứng đợi bên bờ vực tử sinh, mà vòng xoay sinh tử cũng vô cùng hư ảo.

“Suốt một đời chỉ nói với hư vô”

Tôi nói gì với hư vô? Khi hư vô không là một nơi để đến, khi hư vô không là một cõi đi về.

“Mộng vừa chín các em đều mấp máy
Những đêm vàng khép lại cửa vô minh”
        mà:
“Một ngàn năm kỳ ảo cửa tồn sinh”
        nơi đó:
“Hồn sinh tử xin thề không dẫy dụa”

*
*    *

“Ta cắm đầu lao thẳng tới hư vô”

Là một viễn khách chối từ quán trọ ta bà, bỏ lại một chỗ dừng chân của kiếp người bi tráng đam mê, chối từ một-mái-ấm-nhân-gian hiện hữu, chối từ cả bụi tro lưu chuyển luân hồi.
“Suốt một đời chỉ nói đến hư vô”

“Lao thẳng xuống hư vô” là buông rời bản ngã, là nơi không có cái tôi hoang mang tình lụy.  Nhưng tôi có thực đã lao thẳng tới hư vô? Hay một lực phản hồi tung ngược tôi như quả bóng dội vào tường, rơi xuống và tưng tưng về lại kiếp hiện sinh?

Và phải chăng hư vô chỉ là một khát vọng?
Một cõi về huyễn mộng?
Hay một nơi đi không là để đến?

Để rồi tôi lại chợt nhìn ra một con người “chiều thu xưa tôi hiện đến trong đời” lang thang trên mặt đất này với một linh hồn “như cỏ dại”, như “vì sao rụng giữa thu xa” và “da thịt đã bắt đầu thấy rợn”.

Khi hiện diện trên mặt đất này, tôi, một linh hồn trong veo, thuở đất trời khai lập với bao hỗn mang trong cái nhỏ nhoi phận người, tôi đã vội nhìn ra, đã sớm tìm thấy cái u uất huyền vi trong vô tận đất trời: “Chiều thu xa chiều thu xa chiều thu xa” nơi cái

“hồn tôi nữa mượt mà như con gái”
Như áo lót trong của những nàng trẻ dại”

Cái mùi hương mê hoặc từ chiếc áo trong của những nàng con gái đó đã chảy vào máu tim một khao khát tai ương, một ham muốn lưu đày:

“Nhưng từng đêm thao thức đến khuya dài
Tim đã thấy bao thoáng buồn hiện đến
..............................….
Thôi phải rồi sầu đã ngự trong tôi”

Từ đó tiếng vọng của mối sầu thiên cổ như hồi chuông chiều nhịp vào tim tôi từng nhịp rã rời, từng nhịp u trầm tịch mịch, từng nhịp hoang hoải mênh mang.

Từ tiếng “con sáo ngàn lên tiếng gọi thu sang
                con bướm hoang tìm nắng giữa đêm tàn”

Và để “Tôi một mình trở lại rừng thu xa
           Chiều thu xa chiều thu xa chiều thu xa”

Nguyễn Đức Sơn, phải chăng cái tên đã quyện vào định mệnh kiếp đời nên tôi sống giữa Sơn rừng yêu tuế nguyệt phong vân, nên ảo ảnh tiền thân cứ hiện về tiêu dao theo các vì sao chiếu diệu. Tất cả rồi cũng khép lại từ đây, từ cái sát na nhiệm mầu để tôi trở về cái rỗng không, một cõi hư vô viên mãn.  Tất cả đã khép lại từ đây, nơi cái giao điểm của một trang đời đìu hiu gỗ mục.

Khép lại để mở ra khu rừng ngàn thông vô tận. 
Khép lại để mở ra bầu trời thong dong mây trắng.
Khép lại để mở ra muôn trùng biển sóng chập chùng.
Khép lại để mở ra hư vô mầu nhiệm.
Tôi muốn gửi lại nơi đây trang cuối cùng vô tự.

Người viết bài này xin mượn những dòng cảm nhận về anh, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, để khép lại như một nén nhang khói vương trên đồi Phương Bối: “Như cánh chim bay qua không lưu ảnh hình trên mặt nước, chẳng cần gì giữ lại cho kiếp hậu lai, anh giản đơn là làn gió qua song trong biển đời miên viễn.
Lòng đất nào anh đã nằm im nhìn ngàn sao vỡ vụn hóa thân, còn chăng là trần gian mãi hoài niệm về một ngôi “sao trên rừng” quạnh cuồng tinh đọng.  (Viên Hướng)”

Lê Văn Trung
Quê nhà, tháng sáu mười hai, 2020

Trang Văn Nghệ Quảng Trị 19

Buồn nghe tiếng gọi hai đầu tử sinh -   Chiều - Chiều buông - Dặm trường - Dòng sông cũ - Đưa tiễn một mùa thu - Em chảy về đâu -   chiều th...